Tân Trào - địa danh của vùng đất lịch sử và văn hóa Tuyên Quang

Tân Trào là địa danh gắn liền với vùng đất Tuyên Quang nồng nàn lòng yêu nước. Đây là vị trí địa lý quan trọng, là nơi lưu trú, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tướng lĩnh cấp cao khác cùng nhiều cơ quan Trung ương. Cũng đồng thời là 'Thủ đô Khu giải phóng' trong cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và là 'Thủ đô kháng chiến' trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược; là điểm đến về giáo dục truyền thống không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm Tuyên Quang.

Cây đa Tân Trào - nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Cây đa Tân Trào - nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Tách biệt khỏi nhịp sống ồn ào của thành phố, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm bên bờ sông Cầu ở phía Đông Nam của tỉnh Tuyên Quang với diện tích rộng lớn, tới hơn 560 km², với 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu đã được xếp hạng di tích quốc gia. Tân Trào là tâm điểm hoạt động cách mạng của đảng bộ trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, nơi ghi dấu những kỳ tích lịch sử của người Việt. Khu di tích này không chỉ là niềm tự hào của dân tộc, mà còn là ký ức của nước Việt Nam về những năm tháng nặng nề của chiến tranh. Đây từng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra những quyết sách quan trọng, mang một tầm vóc đầy ý nghĩa trong lòng người dân Việt Nam. Khu di tích lịch sử Tân Trào là một phần ký ức chất chứa quá khứ của đất nước, được truyền lại cho thế hệ mai sau để khắc ghi những bài học lịch sử đầy ý nghĩa cho tương lai.

Nhờ vị trí chiến lược và các điều kiện thuận lợi của mình, Tân Trào được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là “Thủ đô Khu giải phóng” trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Đây là nơi diễn ra những sự kiện quyết định vận mệnh của dân tộc, bao gồm việc khai mạc Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào, thể hiện quyết tâm thực hiện chủ trương giành chính quyền trên cả nước, cũng như thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Từ đó, lệnh Tổng khởi nghĩa được phát hành và các địa phương trong cả nước cùng nhau kết nối lại giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giành chiến thắng và mở ra trang sử mới cho dân tộc với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, không lâu sau đó, thực dân Pháp lại trở lại xâm lược nước ta. Trong giai đoạn 1947 - 1954, Tân Trào trở thành “Thủ đô kháng chiến”, nơi Bác Hồ và các cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc và lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Đây là nơi ghi dấu những mốc son chói lọi của dân tộc, những chiến thắng vẻ vang đến từ sự đoàn kết của toàn dân và sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lán Nà Lừa - Bác Hồ ở và làm việc suốt 3 tháng vào mùa hè năm 1945 chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa.

Lán Nà Lừa - Bác Hồ ở và làm việc suốt 3 tháng vào mùa hè năm 1945 chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa.

Đến đây, du khách có thể thăm quan cây đa Tân Trào, biểu tượng của cách mạng giải phóng thủ đô, nằm trong khu di tích lịch sử Tân Trào. Cây được xem như biểu tượng tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc ta và đã trở thành một địa danh lịch sử quan trọng không chỉ đối với người dân địa phương mà còn là niềm tự hào của toàn thể quốc gia. Vào ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân Lệnh số 1 dưới gốc cây đa Tân Trào, chứng kiến bởi 60 đại biểu toàn quốc và toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Sau đó, quân Việt Nam Giải Phóng đã tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội. Cây đa Tân Trào đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử giải phóng đất nước và là nơi lưu giữ những ký ức quý giá của dân tộc.

Nằm dọc bên sườn núi Nà Lừa là một căn lán nhỏ mang tên Lán Nà Lừa, vốn được xây dựng theo kiểu nhà tre theo phong cách dân tộc miền núi. Đây chính là nơi mà Bác Hồ đã tạm trú và làm việc suốt 3 tháng vào mùa hè năm 1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Lán Nà Lừa được chia thành 2 phòng nhỏ, một phòng dành cho Bác làm việc và phòng còn lại để Bác nghỉ ngơi. Vào ngày mùng 4/6/1945, tại Lán Nà Lừa, Bác Hồ đã tổ chức Hội nghị cán bộ để chuẩn bị cho kế hoạch thành lập “Khu giải phóng, Quân giải phóng” sang tham gia Tổng khởi nghĩa của toàn dân.

Ngày nay, Lán Nà Lừa vẫn được bảo tồn với trọn vẹn nét tinh tế và đơn giản như ngày xưa, trở thành một trong những di tích lịch sử quan trọng trong khu di tích Tân Trào, giúp cho các thế hệ sau có thể hiểu rõ hơn về sự tận tụy của Bác và cuộc cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đó.

Đình Tân Trào - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tổ chức Quốc dân đại hội và phát đi lời kêu gọi cứu quốc.

Đình Tân Trào - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tổ chức Quốc dân đại hội và phát đi lời kêu gọi cứu quốc.

Đình Tân Trào - ngôi đình có tên gọi lúc đó là Kim Long, được dựng lên vào năm 1853 và được tu bổ lại vào năm 1923 theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Việt, mái nhà phủ lá cọ, trong nhà có các cột gỗ chia thành 3 gian 2 chái. Ngôi đình này được dân làng xây để tưởng nhớ và thờ cúng các vị thần bảo hộ sông núi, thành quả và công đức của làng. Vào ngày 16 và 17/8/1945, tại ngôi đình này đã diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tổ chức Quốc dân đại hội và phát đi lời kêu gọi cứu quốc, truyền đạt tới hơn 20 triệu người dân khắp cả nước để hỗ trợ cho tổng khởi nghĩa, mở ra một trang sử mới cho đất nước với chính quyền độc lập và tự do.

Ngày nay, ngôi đình mang tên Tân Trào vẫn giữ được vẻ trang trọng và sắc sảo lịch sử từ kiến trúc đến vị trí chính trị. Với giá trị văn hóa và giáo dục, nơi đây là điểm đến thu hút du khách muốn tìm hiểu thêm về truyền thống của dân tộc và các sự kiện lịch sử quan trọng trong hành trình xứng đáng của người Việt.

Đình Hồng Thái - điểm dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người trở về từ Pác Bó (Cao Bằng), cũng được xem là một trạm liên lạc thông tin quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta. Mang trong mình giá trị lịch sử và văn hóa, Đình Hồng Thái đã trở thành nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và công cuộc chiến đấu trường kỳ chống lại thực dân Pháp xâm lược của toàn dân tộc.

Ngoài các di tích trên, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào còn có các di tích quan trọng khác như: Cụm di tích Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ, di tích ATK Kim Quan, Nha Công an...

Anh Lê Văn Tú đến từ Gia lâm, Hà Nội chia sẻ: Đến Tân Trào, tôi không chỉ có cơ hội tìm hiểu về những di tích lịch sử nổi tiếng, mà còn được khám phá những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và đặc sắc của vùng đất này. Một trong những điểm đến hấp dẫn là khu rừng Đồng Man - Lũng Tẩu, nơi du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, ngắm nhìn những cánh đồng chè xanh mướt và tham gia vào các hoạt động thu hái chè, chế biến chè cùng người dân địa phương. Thăm làng văn hóa du lịch Tân Lập, nơi gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, được chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn độc đáo, tìm hiểu về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, âm nhạc, trang phục, ẩm thực của người Tày. Đặc biệt, vào buổi tối, có thể ăn uống, giao lưu và lắng nghe những câu chuyện cổ tích hay lịch sử do các bậc cao niên kể lại. Đây là một trải nghiệm đáng nhớ của tôi khi đến Tân Trào được sống trong không gian dân gian, được cảm nhận và trải nghiệm vẻ đẹp hoang dã của Việt Nam, cùng thưởng thức những món ăn ngon miệng của người Tày tại khu di tích lịch sử Tân Trào.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào Quang không chỉ là địa chỉ đỏ về nguồn mà còn là một điểm đến du lịch lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá lịch sử và văn hóa, cảm nhận những điều thú vị mà nơi này mang lại, là địa điểm tham quan hấp dẫn dành cho du khách trong nước và quốc tế.

Nhật Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tan-trao-dia-danh-cua-vung-dat-lich-su-va-van-hoa-3178952.html
Zalo