Tận dụng hệ thống cây xăng để làm điểm sạc hoặc đổi pin cho xe điện

Theo PGS.TS. Hoàng Anh Lê, thay vì tập trung phát triển hạ tầng sạc điện tại từng hộ gia đình, nên thúc đẩy mô hình đổi pin. Có thể tận dụng hệ thống cây xăng hiện hữu - phối hợp với các chủ sở hữu trạm xăng để chuyển đổi công năng thành điểm sạc hoặc đổi pin cho xe điện, góp phần giảm thiểu đầu tư hạ tầng mới và quản lý an toàn tốt hơn.

Trong khuôn khổ tọa đàm Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau, do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 21/7, PGS.TS Hoàng Anh Lê - Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông tại Hà Nội có sự phân hóa rõ rệt theo thời gian và loại hình phương tiện.

Vào ban ngày, xe máy là nguồn phát thải chủ yếu; ban đêm, xe tải hạng nặng lại chiếm ưu thế. Lượng phát thải này cũng biến động theo mùa trong năm.

Đáng chú ý, xe máy - phương tiện phổ biến nhất, tiêu thụ nhiều năng lượng, phát thải trực tiếp qua ống xả mà không qua hệ thống xử lý khí thải, dẫn đến mức độ ô nhiễm cao hơn so với ô tô. Trong khi đó, phần lớn ô tô hiện nay đều được trang bị hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường, giúp giảm bớt tác động đến chất lượng không khí.

Bên cạnh yếu tố phương tiện, tốc độ di chuyển thấp tại Hà Nội cũng là nguyên nhân làm gia tăng lượng phát thải. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, tốc độ trung bình của các phương tiện chỉ vào khoảng 35 km/h, mức khiến phương tiện tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn và phát thải mạnh hơn.

"Dựa trên bản đồ phát thải được xây dựng, khu vực Vành đai 1 hiện có mật độ phát thải cao nhất do hệ thống giao thông dày đặc và nhiều điểm giao cắt. Trong khi đó, Vành đai 2 và 3 dù có mức phát thải thấp hơn nhưng lại dễ khuếch tán ô nhiễm ra diện rộng do điều kiện không gian mở hơn".

 PGS.TS Hoàng Anh Lê - Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trọng Tài

PGS.TS Hoàng Anh Lê - Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trọng Tài

 Toàn cảnh tọa đàm Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xe xanh sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh: Trọng Tài

Toàn cảnh tọa đàm Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xe xanh sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh: Trọng Tài

Với góc nhìn quan trọng về vấn đề hạ tầng phục vụ chuyển đổi phương tiện từ xe xăng sang xe điện, PGS.TS Hoàng Anh Lê nhấn mạnh, để thực hiện chuyển đổi hiệu quả, không chỉ cần các chính sách hành chính mà còn phải tính đến những yếu tố kỹ thuật và xã hội, đặc biệt là sự an toàn và thuận tiện trong sử dụng của người dân.

Theo ông, thay vì tập trung phát triển hạ tầng sạc điện tại từng hộ gia đình, nên thúc đẩy mô hình đổi pin, trong đó các hãng sản xuất có thể điều chỉnh thiết kế pin sao cho việc thay pin diễn ra nhanh chóng và thuận tiện, tương tự như việc đổ xăng hiện nay.

Cùng với đó, cần tận dụng hệ thống cây xăng hiện hữu - phối hợp với các chủ sở hữu trạm xăng để chuyển đổi công năng thành điểm sạc hoặc đổi pin cho xe điện, góp phần giảm thiểu đầu tư hạ tầng mới và quản lý an toàn tốt hơn.

Cuối cùng, cần phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Theo PGS Hoàng Anh Lê, nếu người dân hiểu rõ mục tiêu, kế hoạch, và cảm nhận được rằng chính sách là vì họ, thì họ sẽ tự nguyện thay đổi và ủng hộ

“Khi đó, vai trò của chính quyền sẽ không còn là quản lý thô cứng nữa, mà chuyển sang hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện để cộng đồng tự quản lý vấn đề môi trường”, PGS Hoàng Anh Lê khẳng định.

Châu Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tan-dung-he-thong-cay-xang-de-lam-diem-sac-hoac-doi-pin-cho-xe-dien-post1762145.tpo
Zalo