Tận dụng chất thải rắn xây dựng, hạn chế khai thác vật liệu tự nhiên

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 4-6, rất nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ mối quan tâm đối với việc khai thác khoáng sản tự nhiên (đất, đá, sỏi, cát) vừa bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu xây dựng, san lấp, vừa bảo vệ hệ sinh thái, môi trường, đặc biệt là bảo vệ an toàn cho các khu vực ven biển, ven sông.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang chủ trì soạn thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, phân chia làm 4 loại khoáng sản: Kim loại quý, vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu đất, đá, sỏi. Trong đó, vật liệu đất, đá, sỏi được phân cấp cho địa phương và không cần cấp phép, mà chỉ đăng ký và nộp nghĩa vụ thuế theo quy định. Hiện nay, việc thi công các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc, đang gặp nhiều khó khăn về nguồn cát phục vụ san lấp.

 Dây chuyền xử lý chất thải rắn tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh minh họa: moc.gov.vn

Dây chuyền xử lý chất thải rắn tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh minh họa: moc.gov.vn

Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu sử dụng cát biển. Vật liệu cát biển hiện đang được thí điểm sử dụng cho san lấp để xây dựng các công trình giao thông. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Biển là một thể thống nhất, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Cần thực hiện nghiêm quy hoạch biển quốc gia để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường...

Có một vấn đề mà các đại biểu Quốc hội chưa đề cập nên các Bộ trưởng có liên quan cũng chưa nêu ra là sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải xây dựng làm vật liệu san lấp, thay thế một phần, từ đó giảm khai thác cát, sỏi, đất, đá tự nhiên, giảm tác động không mong muốn tới môi trường, hệ sinh thái, đặc biệt là tác động sụt, lún bề mặt.

Khối lượng chất thải xây dựng theo tính toán tại riêng tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên tới khoảng 80.000 tấn/năm. Như vậy, nếu tính trên cả nước, khối lượng chất thải xây dựng có thể lên tới hàng chục triệu tấn/năm. Hiện nay, chúng ta đã có quy định về tái chế chất thải xây dựng, trong đó có gạch, đá, vữa, bê tông... Tuy nhiên, việc thực thi quy định này vẫn chưa được như mong muốn. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm quy định về tái chế chất thải xây dựng, đồng thời có cơ chế phù hợp để tận dụng vật liệu tái chế từ nguồn chất thải xây dựng thì sẽ đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc.

Một là có nguồn vật liệu đáp ứng nhu cầu san lấp, giảm phụ thuộc vào nguồn khai thác tự nhiên gây nhiều hệ lụy về môi trường, hệ sinh thái và an toàn bề mặt đất, dòng chảy. Hai là giảm tác động tiêu cực tới môi trường do chất thải rắn xây dựng không được xử lý đúng cách, phát thải ra môi trường. Ba là nhờ giá trị từ vật liệu tái chế chất thải xây dựng, chi phí cho toàn xã hội sẽ giảm xuống, tiết kiệm nguồn lực không nhỏ cho cả Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Bốn là chúng ta sẽ tăng cường phát triển ngành tái chế chất thải xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nói chung, tạo thêm việc làm cho người lao động nói riêng...

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tan-dung-chat-thai-ran-xay-dung-han-che-khai-thac-vat-lieu-tu-nhien-779735
Zalo