Tâm huyết của Tổ truyền thông cộng đồng đối với đồng bào Chơ Ro
Tổ truyền thông cộng đồng thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, luôn tâm huyết với công việc tổ chức, tuyên truyền, vận động người đồng bào nắm bắt và tuân thủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Hết lòng, hết sức với công việc tuyên truyền
"Nếu như không có công việc của gia đình đi làm rẫy, làm vườn thì ông Đào Văn Dương cũng bận "quá trời" công việc của Tổ truyền thông cộng đồng - nơi ông là tổ trưởng. Ông Dương cũng là Bí thư Chi bộ thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc", chị Đào Thị Kim Chi, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Lồ Ồ, cho biết.
Thôn Lồ Ồ có tới 95% là người dân tộc Chơ Ro. Họ giao tiếp hàng ngày, gọi nhau, nói chuyện trên điện thoại với nhau bằng tiếng dân tộc Chơ Ro. Một cuộc sống yên bình trong thôn. Nhưng không vì thế mà Tổ trưởng Tổ truyền thông Đào Văn Dương ngơi nghỉ công việc.
"Tổ truyền thông cộng đồng thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, của chúng tôi rất xôm tụ, có sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể như Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi… Tôi là Bí thư chi bộ của thôn, cũng là Tổ trưởng của Tổ truyền thông này. Chúng tôi thường xuyên phân tích, hướng dẫn cho người dân Chơ Ro trong thôn nắm bắt các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước cho vững, thực hành trong thực tế cho tốt", ông Đào Văn Dương kể.
Theo ông Dương, cũng không cần nói những chuyện gì quá "to tát, khó hiểu" mà mỗi ngày, Tổ truyền thông cộng đồng của ông lại trao đổi với người dân trong thôn những việc cụ thể. Sống trong thời đại dùng thiết bị "thông minh" rồi nên người nông dân cũng phải biết và thực hiện tốt nông thôn mới, xây dựng một môi trường sống xung quanh như nhà cửa, đường xá trong thôn được sạch sẽ.
"Chúng tôi vận động người dân giữ gìn vệ sinh từ trong nhà ra ngoài đường. Bà con cố gắng để sống sạch thì mới sống khỏe được. Đặc biệt, các cấp Hội Phụ nữ kết hợp cùng bên y tế về hướng dẫn cho chị em phụ nữ có thói quen tốt, tích cực trong vệ sinh cơ thể, xây dựng các nhà vệ sinh sạch sẽ trong gia đình", ông Đào Văn Dương cho biết.
Ngoài ra, đời sống văn hóa từng hộ gia đình cũng được ông Dương và các thành viên trong Tổ truyền thông cộng đồng để tâm, chú ý. Họ đi từng gia đình, trao đổi với các thành viên về việc giáo dục nuôi dạy con cái làm sao cho tốt nhất, phòng tránh từ xa các tệ nạn xã hội. Gia đình cần phải đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau. Chồng phụ vợ làm việc nhà, bếp núc. Vợ phụ chồng trong việc phát triển kinh tế gia đình. Vợ chồng bình đẳng, yêu thương nhau thì con cái mới nhìn đó làm tấm gương noi theo.
Việc tuyên truyền trong thôn Lồ Ồ cứ mỗi ngày như thế, mưa dầm thấm đất, bà con đồng bào thiểu số dần dần hiểu biết thêm nhiều điều về xã hội. Họ có đời sống ổn định nhưng lại rất đổi mới về tư duy. Nhờ vậy mà tụi nhỏ trong thôn Lồ Ồ đều được tới trường, học hành rất vui vẻ.
Bà Đào Thị Dương, người uy tín trong đồng bào dân tộc, cho biết: "Tại thôn Lồ Ồ chúng tôi chủ yếu là dân tộc Chơ Ro, đời sống bà con đồng bào hòa nhập với cuộc sống xã hội hiện đại chứ không sống co cụm, tách rời. Dù vậy, người Chơ Ro vẫn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, các món ăn đặc trưng và văn hóa lâu đời".
Nâng cao nhận thức của bà con đồng bào
Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay có 33.032 người (chiếm gần 3% dân số toàn tỉnh), với 38 thành phần dân tộc sinh sống đan xen với người Kinh ở toàn bộ 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, người Hoa chiếm 33,9%, người Chơ Ro được xem là dân tộc tại chỗ chiếm 31,4%, Khmer chiếm 15,6%, người Tày chiếm 6,1%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Đồng bào dân tộc các dân tộc chủ yếu di cư từ các vùng miền khác nhau đến định cư, sinh sống xen kẽ với người Kinh và tập trung chủ yếu ở các huyện Xuyên Mộc, huyện Châu Đức, huyện Đất Đỏ, thị xã Phú Mỹ và thành phố Vũng Tàu
Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn địa phương. Các Tổ truyền thông cộng đồng là một trong những hoạt động thuộc Dự án 8, mang tới những thay đổi tích cực về nhận thức xã hội, pháp luật đối với người đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, là một trong những địa bàn tập trung nhiều đồng bào dân tộc Chơ Ro và cũng được đón nhận các thay đổi nhận thức tích cực đó.
Chị Bùi Thị Sen Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đưa ý kiến: "Các hoạt động thuộc Chương trình Dự án 8 đã góp phần thay đổi cuộc sống của phụ nữ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua các hoạt động ý nghĩa, tuyên truyền sâu rộng đã trang bị những kiến thức về bình đẳng giới, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết; tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em đã giúp cuộc sống được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Bà con được đón nhận tinh thần đổi mới, tiên phong, đi đầu trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương".
Hỗ trợ và song hành cùng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, Hội LHPN xã này đã xây dựng và nhân rộng mô hình thay đổi "nếp nghĩ cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
"Qua triển khai các nội dung của Dự án 8 cho thấy nhận thức, ý thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được nâng lên rõ rệt. Bà con hiểu rõ thêm về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè, phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em. Các việc tuyên truyền cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn xã nói chung và thôn Lồ Ồ nói riêng đã thực sự phát huy được hiệu quả trong cộng đồng", chị Nguyễn Thị Kim Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Đá Bạc, cho biết.