Tại sao thái độ của bác sĩ lúc nào cũng lạnh lùng vậy?
'Nếu được phép nói lên tiếng lòng của toàn thể giới y bác sĩ thì tôi xin khẳng định rằng: 'Chúng tôi hoàn toàn không cố ý đối xử lạnh nhạt với bệnh nhân'', bác sĩ Yujiro Nakayama chia sẻ.
“Tại sao bác sĩ lại lạnh lùng như vậy?”.
“Hả?”. Tôi kinh ngạc trước câu hỏi không ngờ từ biên tập viên.
“Mình lạnh lùng lắm sao? Mỗi ngày mình đều tiếp đón bệnh nhân rất nhiệt tình mà…”.
Dù nghĩ vậy, nhưng tối hôm đó tôi vẫn ngồi một mình trước bàn làm việc và chống cằm suy ngẫm. À, nhớ ra rồi. Tôi vừa nhớ lại dáng vẻ của mình khi nói ra những lời lạnh lùng với bệnh nhân… Tôi thực sự xin lỗi các bệnh nhân và gia đình họ, những người đã cảm nhận thấy sự lạnh lùng ở tôi. Sau đây tôi xin được giãi bày về vấn đề này:
Có lẽ các bạn độc giả cũng đang nghĩ: “Tôi cũng từng chứng kiến nhiều bác sĩ thể hiện thái độ lạnh lùng như vậy rồi”. Ngay cả tôi, khi chứng kiến cảnh các bác sĩ khác nói chuyện với bệnh nhân, cũng thường nghĩ: ”Có lẽ không nên nói như vậy hơn…”. Nếu đối phương là bác sĩ trẻ thì tôi sẽ cố gắng nhắc nhở, nhưng nếu là những bậc tiền bối, nhất là trong giới bác sĩ ngoại khoa, nơi rất xem trọng quan hệ trên dưới, thì việc góp ý lại không đơn giản như vậy.
Những điều bác sĩ thực sự muốn nói
Tuy nhiên, tôi muốn truyền tải đến các bạn độc giả điều này: “Hầu hết các bác sĩ không cố tình lạnh lùng với bệnh nhân”.
Tôi đã làm bác sĩ 12 năm, nếu tính cả thời sinh viên thì trong 18 năm nay tôi đã tiếp xúc với rất nhiều bác sĩ. Hồi còn trẻ, tôi từng đến công tác ở nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm cả những vùng đảo xa như Miyakejima thuộc Tokyo, Tanegashima thuộc Kagoshima. Tôi cũng từng đi tham quan các bệnh viện ở Mỹ, Hàn Quốc… và có rất nhiều bạn bè làm bác sĩ. Tính ra, chắc tôi cũng đã gặp khoảng 1.000 bác sĩ rồi.
Hầu hết các bác sĩ mà tôi từng gặp đều rất trăn trở về việc: “Chúng ta phải làm sao mới tốt cho bệnh nhân đây?”, “Chúng ta phải làm sao để cải thiện nền y tế của đất nước (cũng như của thế giới) đây?”. Nếu được phép nói lên tiếng lòng của toàn thể giới y bác sĩ thì tôi xin khẳng định rằng: “Chúng tôi hoàn toàn không cố ý đối xử lạnh nhạt với bệnh nhân.” Vậy tại sao nhiều bệnh nhân lại cảm thấy “bác sĩ thật lạnh lùng”?
Có rất nhiều lý do dẫn đến việc này.
Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là “thời gian để bác sĩ nói chuyện với bệnh nhân luôn bị giới hạn”. Vậy thời gian bị giới hạn ra sao? Tôi sẽ trình bày cụ thể trong phần sau.
Lịch trình tính bằng phút
Nguyên nhân thứ nhất là do lịch làm việc của bác sĩ rất bận rộn, lúc nào cũng kín mít.
Dù là bác sĩ khoa nào thì chúng tôi cũng luôn làm việc theo một thời gian biểu chặt chẽ được xác định trước. Nếu là bác sĩ ngoại khoa thì 9 giờ sáng chúng tôi đã phải vào phòng phẫu thuật. Bệnh nhân được xếp lịch phẫu thuật ngay trong ngày nhập viện, được gây mê và đợi sẵn trong phòng phẫu thuật. Ngoài ra, trong phòng phẫu thuật còn có y tá (một cuộc phẫu thuật tối thiểu cần có hai người), kỹ sư lâm sàng (kỹ thuật viên phụ trách các thiết bị y tế), trợ lý phẫu thuật… tất cả đều phải sẵn sàng vào đúng thời gian đã định trước.
Một bác sĩ ngoại khoa tuyệt đối không được phép nói rằng: “Xin lỗi, vì bệnh nhân do tôi phụ trách quá lo lắng nên tôi phải nán lại giải thích, thế là bị trễ mất 30 phút”. Với bệnh nhân đã được gây mê thì thời gian phẫu thuật kéo dài đồng nghĩa với nguy cơ gây ra nhiều biến chứng và tác dụng phụ sau phẫu thuật, do đó tuyệt đối không được phép trễ nải.
Vì vậy, với lịch trình thăm khám cho 50 bệnh nhân vào 7 rưỡi sáng, đến 9 giờ lại vào phòng phẫu thuật thì bác sĩ không thể nói chuyện kỹ với từng bệnh nhân được. Dù bệnh nhân có hỏi thì tôi cũng chỉ biết trì hoãn rằng: “Xin lỗi, vì tôi không có thời gian nên anh hãy trao đổi với y tá rồi đặt lịch hẹn sau nhé”. Với những bệnh nhân đang lo lắng vì mới nhập viện lần đầu, hẳn là họ sẽ cảm thấy “thái độ bác sĩ sao mà lạnh lùng quá”.
Nguyên nhân thứ hai là do có quá nhiều nghiệp vụ trong khâu khám ngoại trú.
Mỗi ngày, bác sĩ sẽ phải khám cho mấy chục bệnh nhân. Thời gian bác sĩ nói chuyện với một bệnh nhân tối đa là 10 phút (tùy từng khoa mà khoảng thời gian này sẽ khác nhau, nhưng với khoa ngoại thì tầm đó).
Hơn nữa, nếu chỉ trò chuyện với bệnh nhân thì chưa thể hoàn tất quá trình khám bệnh được. Trước tiên, bác sĩ sẽ ghi lại nội dung chẩn đoán vào phiếu chẩn bệnh, sau đó là kê thuốc, đặt lịch hẹn tái khám... Những công đoạn này rất mất thời gian, vì bác sĩ sẽ phải tự mình nhập các thông tin đó vào máy tính. Bên cạnh đó, họ còn phải xử lý các cuộc hẹn xét nghiệm và hàng núi hồ sơ của những “bệnh nhân chờ” nữa.
Nhiều người sẽ cho là tôi đang viện cớ, nhưng với thực trạng công việc như vậy tôi cho rằng bác sĩ sẽ không thể có đủ thời gian để giải thích tường tận cho từng bệnh nhân được.
Bí quyết để trò chuyện với bác sĩ bận rộn
Gần đây, để khắc phục tình trạng làm việc quá sức, các bệnh viện đã sử dụng quy trình “hỗ trợ nhập liệu”. Theo đó, các thao tác nhập liệu sẽ do nhân viên văn phòng phụ trách, bác sĩ chỉ cần tập trung vào việc giao tiếp với bệnh nhân. Đáng tiếc là chế độ này hiện chỉ được áp dụng ở một số bộ phận trong bệnh viện, cũng như chỉ giới hạn cho một số bác sĩ (phần lớn là những bác sĩ cấp cao như trưởng khoa, giáo sư…).
Vậy bệnh nhân có thể làm gì khi gặp phải bác sĩ không có thời gian? Tôi xin phép được đề xuất một giải pháp cực kỳ đơn giản, đó là “lập trước dàn ý cho những điều muốn hỏi bác sĩ”.
Khi đã có dàn ý, cuộc trò chuyện sẽ thay đổi rất nhiều.
“Anh (chị) muốn hỏi gì?”, “Anh (chị) lo lắng điều gì?”, hãy ghi ra để bác sĩ nhìn vào có thể trả lời ngay.
Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân mới tới bệnh viện lần đầu lại “không biết hỏi bác sĩ chuyện gì”. Những lúc như vậy, các bạn hãy sử dụng dàn ý ở trang bên cùng Bảng câu hỏi khám sức khỏe để dễ dàng truyền đạt những điều muốn hỏi hơn.