Tại sao quan hệ Nga-Ấn Độ là vấn đề với cả Mỹ và Trung Quốc
Hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6/12 đã cho thấy hai nước có chủ trương sát cánh, dù có thể khiến cả Mỹ và Trung Quốc không vừa ý.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời Tướng quân đội Ấn Độ về hưu Harsha Kakar đánh giá cuộc gặp đã chứng minh rằng bất chấp mối quan hệ gắn kết hơn giữa Nga với Trung Quốc và Ấn Độ với phương Tây cũng như bất kể sự liên kết nào, một mối quan hệ đã được xây dựng qua nhiều năm không nên bị xói mòn do thay đổi địa chính trị.
Kể từ thời điểm sáp nhập Crimea năm 2014, Nga đã đẩy mạnh quan hệ quân sự và kinh tế với Trung Quốc khi phương Tây tăng cường các lệnh trừng phạt. Nga từng bày tỏ lo ngại về động thái của quân đội Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương với Ấn Độ.
Trong khi đó, Ấn Độ lại tăng cường quan hệ với các quốc gia phương Tây, trong đó bao gồm việc gia nhập "bộ tứ kim cương" (còn gọi là QUAD) với Mỹ, Nhật Bản cùng Australia để đối trọng với diễn biến mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Trong 19 tháng qua, Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra căng thẳng tại biên giới.
Ngày 6/12, hai nhà lãnh đạo Nga-Ấn Độ đã ký kết 28 thỏa thuận trong các lĩnh vực như than đá, đóng tàu biển, dầu khí… Moskva cùng New Delhi cam kết đến năm 2025 sẽ nâng thương mại song phương lên 30 tỷ USD và đầu tư hai bên là 50 tỷ USD.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi còn đi đến kết quả thống nhất hợp đồng trong đó Ấn Độ tự sản xuất trên 600.000 súng trường AK-203 của Nga cho quân đội nước này. Hai quốc gia kéo dài thỏa thuận kỹ thuật quân sự giúp chuyển giao công nghệ thêm 10 năm.
Theo thống kê của chính phủ Nga, kể từ năm 1991 đến nay, nước này đã bán cho Ấn Độ số vũ khí trị giá gần 70 tỷ USD. Mặc dù con số đã giảm dần kể từ khi Ấn Độ đẩy mạnh tự sản xuất vũ khí trong nước nhưng cả Moskva và New Delhi vẫn hợp tác trong các dự án phát triển vũ khí chung, từ tên lửa hành trình siêu thanh đến chiến hạm.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Ấn Độ mua từ Nga trong năm 2018 và đang được chuyển giao đã phản ánh mức độ phức tạp về địa chính trị mà hai nước đang rơi vào.
Ấn Độ dự định đặt hai hệ thống S-400 gần đường kiểm soát trên thực tế (LAC) với Trung Quốc. Động thái này được coi là phản ứng trước thông tin Trung Quốc triển khai S-400 ở khu vực biên giới với Ấn Độ. Ông Kakar dự đoán S-400 sẽ đóng “vai trò chính” trong mạng lưới phòng không của Ấn Độ trước các nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Alexey Kupriyanov cho rằng theo quan điểm của Nga,, việc cả Ấn Độ và Trung Quốc trang bị S-400 thực sự làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh do đã cân bằng cán cân quyền lực giữa hai nước. Đồng thời, ông nhận định rằng tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ là “cơ hội để Nga tiếp tục xoay trục sang châu Á mà không trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Ông Kupriyanov nói: “Nga không quan tâm đến việc trở thành một đồng minh quân sự của Trung Quốc nhưng với tình hình hiện tại, Mỹ và châu Âu đang đẩy Nga đến với Trung Quốc”.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ vào năm 2017 đã thông qua đạo luật chống kẻ thù của Mỹ thông qua hành động trừng phạt (CAATSA) với nội dung kêu dọi trừng phạt các cá nhân và thực thế tham giao vào “giao dịch đáng kể” với lĩnh vực quốc phòng Nga. Đến nay, các khách hàng mua hệ thống S-400 là mục tiêu hàng đầu của CAATSA. Theo đó, Mỹ đã áp dụng các lệnh trừng phạt CAATSA với Trung Quốc năm 2018 và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2020 do đã mua S-400 của Nga.
Tuy nhiên, có khả năng Ấn Độ sẽ không rơi vào tình huống này. Nhiều nghị sĩ đã khuyến khích Washington không áp đặt lệnh trừng phạt lên các thành viên của QUAD. Bộ Quốc phòng Mỹ trong tháng 11 cho biết chính quyền Tổng thống Biden chưa quyết định liệu có áp đặt lệnh trừng phạt lên Ấn Độ về việc mua S-400 hay không.
Ông Kakar cho rằng nếu phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ tìm cách bỏ qua hoặc xử lý nó thay vì cắt đứt quan hệ với Moskva. Ông nêu rõ: “Bất kể điều gì có thể xảy ra với bên thứ ba, tôi cho rằng mối quan hệ Nga-Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển”.