Tại sao Hải quân Mỹ khó lòng khắc chế Houthi ở Biển Đỏ?

Những gián đoạn ban đầu do Houthi gây ra ở Biển Đỏ được cho là sẽ không kéo dài lâu, nhưng hóa ra cuối cùng tình hình chỉ ngày càng tồi tệ.

Hơn 6 tháng đã trôi qua kể từ khi nhóm phiến quân Houthi của Yemen bắt đầu gây gián đoạn nghiêm trọng giao thông hàng hải ở Biển Đỏ. Ngành vận tải biển toàn cầu đã phải đối mặt với trạng thái “bình thường mới”, với sự chậm trễ, xáo trộn và chi phí cao hơn ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Thực tế này vẫn diễn ra bất chấp những nỗ lực thường trực của Hải quân Mỹ, Anh và châu Âu. Tập thể phương Tây đã không thành công trong việc vô hiệu hóa mối đe dọa từ Houthi và khôi phục an ninh cho hoạt động vận tải thương mại, theo phân tích của ấn phẩm Foreign Policy công bố hôm 1/7.

Theo ấn phẩm lâu đời của Mỹ, việc các lực lượng hải quân hàng đầu thế giới dường như đang phải vật lộn để khuất phục một nhóm phiến quân đã đặt ra những câu hỏi lớn về cả sức mạnh và trọng trách của hải quân phương Tây trong bất kỳ cuộc đối đầu tiềm tàng nào khác trong tương lai.

Chiến dịch do Mỹ dẫn đầu chống lại phiến quân Houthi đã trở thành trận chiến trên biển căng thẳng nhất mà hải quân “xứ cờ hoa” phải đối mặt kể từ Thế chiến II, các nhà lãnh đạo và chuyên gia của Hải quân Mỹ nói với hãng tin AP.

Tốc độ triển khai hỏa lực có thể được nhìn thấy trên khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Laboon, nơi lớp sơn xung quanh cửa sập của bệ phóng tên lửa đã bị đốt cháy sau nhiều lần phóng.

Các thủy thủ của tàu đôi khi có vài giây để xác nhận hỏa lực bắn từ phía Houthi, trao đổi với các tàu khác và nổ súng vào một loạt tên lửa đang lao tới với tốc độ gần hoặc vượt quá tốc độ âm thanh.

“Đó là việc diễn ra từng ngày, từng giờ, và một số tàu của chúng tôi đã ở đây hơn 7 tháng để làm việc đó”, Đại úy David Wroe, người giám sát các tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ, nói với AP hồi tháng 6.

USS Laboon, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, là một trong những tàu của Hải quân Mỹ hộ tống tàu bị cho là mục tiêu của tên lửa Houthi. Ảnh: Forces Network

USS Laboon, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, là một trong những tàu của Hải quân Mỹ hộ tống tàu bị cho là mục tiêu của tên lửa Houthi. Ảnh: Forces Network

Ông Sebastian Bruns, chuyên gia hải quân tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Hàng hải, thuộc Viện Chính sách An ninh tại Đại học Kiel ở Đức, nói với Foreign Policy, Houthi đã chứng tỏ là một lực lượng khá đáng gờm. Đây là một chủ thể phi nhà nước có kho vũ khí lớn hơn và thực sự có thể khiến liên minh phương Tây phải đau đầu.

“Đây là loại cao cấp nhất hiện nay và khi hải quân gặp vấn đề với khả năng duy trì ở cấp độ này thì điều đó thực sự đáng lo ngại”, vị chuyên gia nói.

Từ vị trí “yết hầu” của vận tải hàng hải quốc tế là eo biển Bab el-Mandeb, cửa ngõ vào Kênh đào Suez, nhóm phiến quân Houthi thân Iran, hiện là lực lượng nắm quyền quản lý ở Yemen, đã tấn công các tàu dân sự và quân sự kể từ cuối năm ngoái, viện dẫn lý do nhằm gây áp lực buộc Israel chấm dứt cuộc xung đột với Hamas ở Dải Gaza.

Các tàu thương mại, bao gồm tàu container lớn, tàu chở hàng rời và tàu chở dầu và khí đốt, đã nhanh chóng tránh xa khỏi vùng biển đầy sóng dữ trên Biển Đỏ, lựa chọn hải trình dài hơn nhưng an toàn hơn quanh đáy châu Phi.

Nhưng những gián đoạn ban đầu được cho là sẽ không kéo dài lâu, đặc biệt là sau khi hải quân phương Tây đích thân xuất kích để khôi phục an ninh. Phí bảo hiểm cho các chủ hàng thực sự đã giảm nhẹ khi việc triển khai lực lượng hải quân chung giữa Mỹ và Anh được công bố. Và chi phí vận chuyển đã giảm vào mùa xuân trong khi chiến dịch trấn áp Houthi vẫn đang diễn ra.

Tuy nhiên, sau 8 tháng ròng rã tấn công qua lại giữa các lực lượng quân sự, sự gián đoạn trong vận tải biển đột nhiên trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Hồi cuối tháng 6, các cuộc tấn công của Houthi đã đánh chìm một con tàu – chiếc thứ hai kể từ khi nhóm này bắt đầu các cuộc tấn công, và làm hư hại một chiếc khác.

Danh sách các cuộc tấn công, cả thành công và không thành công, vẫn nối dài. Thông điệp công khai của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) là các báo cáo gần như hàng ngày về việc các tàu Mỹ đánh đuổi máy bay không người lái (UAV/drone), tên lửa và các tàu mặt nước không người lái (USV).

Lực lượng Houthi, vốn đã sử dụng tên lửa chống hạm để đạt hiệu quả cao, hiện đang ngày càng sử dụng nhiều các USV, bao gồm cả loại có tên là Blowfish của Houthi. Không phải tất cả các tác động đều rõ ràng như các vụ nổ làm hư hỏng tàu hàng Transworld Navigator vào cuối tháng trước, nhưng chúng đều gây đau đớn như nhau.

Việc vận chuyển qua kênh đào Suez, một nguồn thu nhập quan trọng của Ai Cập, đã giảm ít nhất một nửa và trọng tải thậm chí còn giảm hơn nữa. Những con tàu đi một chặng đường dài sẽ tốn thêm thời gian và tiền bạc, và cuối cùng có thể phải nằm im chờ đợi sóng dữ qua đi.

Minh Đức (Theo Foreign Policy, AP)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tai-sao-hai-quan-my-kho-long-khac-che-houthi-o-bien-do-a671149.html
Zalo