Tái định cư rạch Văn Thánh: Người dân mong thoát cảnh sống trong ô nhiễm

(KTSG Online) - Dự án cải tạo rạch Văn Thánh vừa được thông qua với tổng vốn hơn 8.500 tỉ đồng, kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo đô thị và cuộc sống người dân nơi đây.

Tuyến rạch Văn Thánh, dài gần 2km giữa lòng TPHCM, từ lâu đã trở thành nơi sinh sống tạm bợ của hàng ngàn người dân trong điều kiện ô nhiễm nặng nề.

Rạch Văn Thánh là tuyến rạch dài khoảng 2km, bắt đầu từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã ba kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nằm trên địa bàn phường Thạnh Mỹ Tây, TPHCM. Đây là một nhánh lớn trong hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước và góp phần giảm ngập cho khu vực trung tâm thành phố.

Trong nhiều năm qua, tuyến rạch này rơi vào tình trạng ô nhiễm kéo dài. Hai bên bờ rạch, hàng trăm hộ dân sống chen chúc trong những căn nhà lụp xụp, tạm bợ. Dòng nước đen kịt, ngập rác thải sinh hoạt và xác động vật bốc mùi nồng nặc là cảnh tượng thường ngày nơi đây.

Vị trí rạch Văn Thánh.

Vị trí rạch Văn Thánh.

Ông Văn Công, một trong những hộ dân đã sinh sống ven rạch Văn Thánh hơn 40 năm, chia sẻ: "Mỗi mùa mưa là rác trôi từ trên xuống, nổi lềnh bềnh, hôi không chịu nổi, muỗi, ruồi bu đầy. Cả nhà tôi có 7 người, ai cũng là lao động phổ thông nên không có tiền mà chuyển đi nơi khác, chỉ mong được nhà nước hỗ trợ, bố trí chỗ ở mới sạch sẽ để con cái có cuộc sống tốt hơn".

Ông cho biết, từ sau khi tuyến metro số 1 thi công xong, người dân bắt đầu hy vọng sẽ được cải tạo khu vực rạch. Mới đây, gia đình ông đã nhận được phiếu kê khai thông tin để phục vụ công tác đền bù và tái định cư. "Tôi không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần nơi ở mới không còn ô nhiễm là được", ông Công nói thêm.

Đồng cảnh ngộ, bà Năm, một hộ dân sống cùng gia đình 8 người tại khu vực này cũng không giấu được lo lắng: "Không biết nhà nước đền bù bao nhiêu, chỉ mong đủ để có căn nhà đàng hoàng, sạch sẽ. Chứ sống như vầy hoài, khổ con khổ cháu. Trước đây chừng chục năm, con rạch còn trong xanh, cây cối rợp bóng mát, giờ thì rác thải cứ đổ dồn về, không dọn xuể".

Ban đầu, bà Năm còn cố gắng vớt rác để giảm ô nhiễm, nhưng rồi cũng bất lực trước lượng rác ngày càng nhiều. Giờ đây, bà và hàng xóm đang bàn bạc để sớm nộp kê khai, mong nhanh chóng được di dời.

Dãy nhà lụp xụp ven rạch Văn Thánh, nơi sinh sống tạm bợ của hơn 1.000 hộ dân.

Dãy nhà lụp xụp ven rạch Văn Thánh, nơi sinh sống tạm bợ của hơn 1.000 hộ dân.

Tình trạng ô nhiễm kéo dài khiến chất lượng sống người dân xuống thấp. Dù gắn bó với mảnh đất này hơn chục năm, nhiều hộ dân cho biết sẵn sàng rời đi nếu có phương án tái định cư phù hợp.

Người dân sinh sống tại hẻm Võ Duy Ninh, ven bờ rạch Văn Thánh, thừa nhận rằng nếu không di dời thì cuộc sống sẽ tiếp tục khó khăn trong môi trường ô nhiễm. Nhiều hộ cho biết, nếu được Nhà nước bố trí tái định cư một cách hợp lý và ổn thỏa, họ sẵn sàng rời đi để thành phố thực hiện dự án cải tạo rạch, chỉnh trang đô thị.

Sau nhiều năm nằm trên giấy, dự án cải tạo rạch Văn Thánh chính thức được HĐND TPHCM thông qua tại kỳ họp chuyên đề ngày 28-6 vừa qua. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 8.555 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào đầu năm 2027.

Rạch Văn Thánh là tuyến rạch dài khoảng 1,9 km, bắt đầu từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã ba kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nằm trên địa bàn phường Thạnh Mỹ Tây, TPHCM.

Rạch Văn Thánh là tuyến rạch dài khoảng 1,9 km, bắt đầu từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã ba kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nằm trên địa bàn phường Thạnh Mỹ Tây, TPHCM.

Dự án được chia thành hai phần gồm phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 1.065 hộ dân với kinh phí khoảng 6.812 tỉ đồng và phần nạo vét, xây dựng hạ tầng kỹ thuật với vốn hơn 1.743 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án không chỉ cải thiện môi trường mà còn chỉnh trang đô thị toàn khu vực.

Người dân ven rạch Văn Thánh đang đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này. Họ mong rằng, sau nhiều năm sống trong ô nhiễm và tạm bợ, sẽ được chuyển đến nơi ở khang trang, an toàn hơn. Còn với thành phố, đây sẽ là cơ hội để “hồi sinh” một tuyến rạch từng bị lãng quên, góp phần nâng cao chất lượng sống và cảnh quan đô thị.

Thái Bảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tai-dinh-cu-rach-van-thanh-nguoi-dan-mong-thoat-canh-song-trong-o-nhiem/
Zalo