Tái diễn họp chợ trên cầu

HNN - Sau thời gian tạm lắng, tình trạng người dân tụ tập buôn bán trên một số cây cầu ở các phường trung tâm thành phố lại tái diễn. Vấn đề đặt ra không chỉ là xử lý dứt điểm vi phạm, mà còn cần có giải pháp nhân văn để đảm bảo sinh kế cho người dân.

 Bán hàng trên cầu Bến Ngự, bất chấp quy định cấm

Bán hàng trên cầu Bến Ngự, bất chấp quy định cấm

Sáng 13/7, tại cầu Bến Ngự, phường Thuận Hóa (sáp nhập từ các phường Phú Hội, Phú Nhuận, Phường Đúc, Vĩnh Ninh, Phước Vĩnh, Trường An), chúng tôi chứng kiến 5 phụ nữ bày hàng bán ngay hai bên cầu. Họ bán rau, trái cây, vài con cá... Hàng hóa không nhiều nhưng lại khiến lòng cầu vốn đã hẹp trở nên lộn xộn, tiềm ẩn rủi ro giao thông.

Người bán chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, sống bằng nghề bán bưng. Một số người đi xe máy tiện đường dừng lại mua hàng khiến tình trạng dừng, đỗ giữa cầu càng phổ biến.

7 giờ 30 sáng 13/7, tại cầu An Cựu (phường An Cựu) có 2 người phụ nữ lớn tuổi ngồi bán rau và thịt gà, vịt 2 bên cầu. Trước đó, tại cây cầu này có không ít người bán các mặt hàng rau, củ, quả. Có cung ắt sẽ có cầu, nhiều người đi đường tiện đường cũng ghé mua, nên việc người dân duy trì bán hàng trên cầu luôn tái diễn. Tại cầu Chợ Dinh, phường Mỹ Thượng (sáp nhập từ các phường, xã Phú Thượng, Phú An, Phú Mỹ) cũng có người thường xuyên buôn bán hàng hải sản trên cầu.

Theo tìm hiểu, những người buôn bán tại đây phần lớn là người nghèo, lớn tuổi, không đủ điều kiện thuê sạp hoặc vào chợ kinh doanh ổn định. Họ chọn cầu, nơi đông người qua lại như một cơ hội mưu sinh, bất chấp quy định cấm.

Về pháp lý, hành vi lấn chiếm lòng, lề đường, cầu để buôn bán là vi phạm Luật Giao thông đường bộ và có thể bị xử phạt hành chính. Nhưng nếu chỉ nhìn ở khía cạnh xử lý vi phạm, khó lòng giải quyết gốc rễ vấn đề. Bởi sau mỗi đợt xử lý, tình trạng họp chợ trên cầu vẫn diễn ra.

Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là kiên quyết lập lại trật tự đô thị, không thể xuê xoa, dễ dãi trước những vi phạm lặp đi lặp lại. Việc buôn bán trên cầu không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn đe dọa trực tiếp đến an toàn giao thông, đặc biệt trong giờ cao điểm. Chính quyền cần duy trì các tổ công tác kiểm tra thường xuyên, không làm theo kiểu “ra quân một đợt rồi thôi”.

Tuy nhiên, muốn xử lý hiệu quả, phải song hành với giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người buôn bán nhỏ lẻ. Cụ thể, cần rà soát, bố trí các điểm kinh doanh tạm thời, phù hợp với người nghèo, người già, người không có điều kiện vào chợ chính thức. Các khu vực vỉa hè được quy hoạch lại, khoảng trống quanh khu vực chợ hoặc các tuyến đường dân sinh có thể là lựa chọn.

Phải tăng cường tuyên truyền, không chỉ bằng loa truyền thanh mà thông qua tổ dân phố, tổ chức các buổi họp để giải thích cho người dân hiểu tác hại của buôn bán trên cầu: không an toàn, không hợp pháp và cũng không bền vững. Bên cạnh đó, lồng ghép các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người già, người yếu thế, những người thường xuyên phải ra đường bán buôn kiếm sống bằng các hình thức trợ giúp nhỏ nhưng thiết thực như: Hỗ trợ vốn nhỏ, quầy hàng di động miễn phí, ưu tiên vào các chợ dân sinh có sạp trống...

TP. Huế đang trong quá trình chỉnh trang, phát triển theo hướng đô thị văn minh, di sản. Những cây cầu như Bến Ngự, An Cựu không chỉ là công trình giao thông mà còn là biểu tượng gắn với ký ức, lịch sử và vẻ đẹp thành phố. Đừng để hình ảnh những phiên chợ lộn xộn, chen chúc trên cầu làm lu mờ đi nỗ lực giữ gìn một đô thị Huế sạch, xanh và ngăn nắp.

Bài, ảnh: PHONG ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/ban-doc/ban-doc-viet/tai-dien-hop-cho-tren-cau-155772.html
Zalo