Syria: Thêm một thủ phạm đẩy 'đế chế Assad' sụp đổ chóng vánh

Nền kinh tế Syria đã suy giảm 85% trong gần 14 năm nội chiến, tàn phá cơ sở hạ tầng và gây ra siêu lạm phát. Tình trạng cực tồi tệ của nền kinh tế đã 'góp một tay' đưa chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad - vốn đã có hơn 1 thập kỷ vững vàng chống chọi với nhiều khó khăn, sụp đổ chóng vánh.

Kể từ những cuộc nổi dậy từ năm 2011, chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có hơn 1 thập kỷ vững vàng chống chọi với nhiều khó khăn từ nội chiến đến tầng tầng lớp lớp lệnh trừng phạt quốc tế.

Syria: Thêm một thủ phạm góp phần đưa 'đế chế Assad' sụp đổ. (Nguồn: Reuters)

Syria: Thêm một thủ phạm góp phần đưa 'đế chế Assad' sụp đổ. (Nguồn: Reuters)

Cuộc nội chiến đau khổ, kinh tế Syria còn lại gì?

Nền kinh tế Syria có giá trị 67,5 tỷ USD (tương đương 63,9 tỷ Euro) vào năm 2011. Quốc gia này được xếp hạng 68 trong số 196 quốc gia trong bảng xếp hạng GDP toàn cầu, tương đương với Paraguay và Slovenia.

Đáng buồn là 2011 cũng là năm mà các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại chế độ của Tổng thống Bashar Assad nổ ra, kéo theo các cuộc nổi loạn của phiến quân từ đó leo thang thành một cuộc nội chiến toàn diện.

Tờ DW đưa tin, tính đến năm ngoái, nền kinh tế Syria đã chính thức tụt xuống vị trí thứ 129 trên bảng xếp hạng toàn cầu, giá trị nền kinh tế giảm 85% xuống chỉ còn 9 tỷ USD, theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB). Những tin xấu này đã đưa đất nước ngang hàng với nền kinh tế Chad và Lãnh thổ Palestine.

Gần 14 năm xung đột, với hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế và cuộc di cư của 4,82 triệu người — hơn 1/5 dân số của đất nước — đã biến Syria thành một trong những quốc gia nghèo nhất ở Trung Đông, đến lực lượng lao động cũng không còn nhiều.

Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), tính đến tháng 12, vẫn còn 7 triệu người Syria, chiếm hơn 30% dân số, vẫn phải di dời, lang thang trong chính đất nước của mình. Cuộc xung đột đã tàn phá cơ sở hạ tầng của đất nước này, gây ra thiệt hại lâu dài cho hệ thống điện, giao thông và y tế. Một số thành phố, bao gồm Aleppo, Raqqa và Homs đã chứng kiến sự tàn phá trên diện rộng. Thành phố cổ Aleppo 4.000 năm tuổi, một thời là nơi phồn hoa, sống động, nổi tiếng với những kiến trúc trung cổ và bề dày lịch sử văn hóa, trở nên tan hoang chết chóc.

Cuộc nội chiến đã khiến đồng Bảng Syria mất giá đáng kể, dẫn đến sức mua giảm mạnh. Năm ngoái, quốc gia này đã chứng kiến tình trạng siêu lạm phát — lạm phát rất cao và tăng tốc, Trung tâm Nghiên cứu chính sách Syria (SCPR) cho biết trong một báo cáo được công bố vào tháng 6. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng gấp đôi so với năm trước.

SCPR cho biết, hơn một nửa người Syria đang sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, không thể đảm bảo nhu cầu lương thực cơ bản.

Hai trụ cột chính của nền kinh tế Syria là dầu mỏ và nông nghiệp — đã bị tàn phá bởi chiến tranh. Mặc dù rất nhỏ so với các quốc gia Trung Đông khác, nhưng xuất khẩu dầu mỏ của Syria chiếm khoảng một phần tư doanh thu của chính phủ vào năm 2010. Sản xuất lương thực đóng góp một lượng tương tự vào GDP.

Chế độ của Tổng thống Assad đã mất quyền kiểm soát hầu hết các mỏ dầu của mình vào tay các nhóm phiến quân, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và sau đó là các lực lượng do người Kurd lãnh đạo.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt quốc tế đã gần như bóp nghẹt khả năng xuất khẩu dầu của chính phủ. Với sản lượng dầu giảm xuống mức chỉ còn khoảng dưới 9.000 thùng/ngày tại các khu vực do chính quyền kiểm soát vào năm ngoái, khiến quốc gia này phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dầu nhập khẩu từ Iran.

Bao giờ Syria trở lại như xưa?

Một số người theo dõi tình hình Syria đã cảnh báo rằng, ở kịch bản tốt đẹp nhất, có thể phải mất gần 10 năm để đất nước này trở lại mức GDP hồi năm 2011 và hai thập kỷ để xây dựng lại hoàn toàn. Nhưng điều gây lo ngại là triển vọng của Syria có thể xấu đi trong trường hợp bất ổn chính trị tiếp diễn.

Trước khi nhiệm vụ tái thiết các thành phố, cơ sở hạ tầng, công trình năng lượng và các ngành nông nghiệp bị hư hại có thể được tiến hành, giới phân tích quốc tế còn tỏ ra băn khoăn về chính quyền sắp tới của Syria.

Hayat Tahrir al-Sham (HTS) nhóm đã chỉ huy cuộc nổi dậy vào cuối tuần qua, cho biết, hiện họ đang nỗ lực thành lập một chính phủ mới. Thủ tướng lâm thời Syria Mohammed al-Bashir tuyên bố, chính phủ của ông sẽ hoạt động đến ngày 1/3/2025, khi một nội các chính thức được thành lập theo kế hoạch. Ông này cũng nhấn mạnh rằng, "đã đến lúc người dân Syria được tận hưởng sự ổn định và hòa bình sau những năm tháng xung đột".

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt đối với Syria vẫn còn hiệu lực và HTS cũng đang phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế hà khắc nhất.

Đã có những lời kêu gọi ngay lập tức về việc dỡ bỏ hoặc nới lỏng các lệnh trừng phạt đó, nhưng có thể mất vài tuần, vài tháng hoặc còn lâu hơn nữa.

Nhà phân tích cấp cao Delaney Simon tại International Crisis Group đã viết trên mạng xã hội X, rằng Syria là "một trong những quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất trên thế giới", đồng thời nói thêm rằng việc duy trì các hạn chế đó sẽ giống như "giật tấm thảm dưới chân Syria ngay khi nước này đang cố gắng đứng vững".

Nếu không có động thái nới lỏng các hạn chế đó, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tránh xa quốc gia bị chiến tranh tàn phá này và các cơ quan viện trợ có thể cũng phải cảnh giác khi can thiệp để cung cấp cứu trợ nhân đạo - yếu tố vô cùng quan trọng cho người dân Syria lúc này.

Ở một diễn biến khác, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên trên cương vị mới với tờ Al Jazeera, ngày 10/12, ông al-Bashir cho biết: "Chúng tôi đã mời các thành viên từ chính quyền cũ cũng như một số giám đốc tại Idlib tham gia để hỗ trợ quá trình chuyển tiếp. Nhiệm vụ của họ là tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các công việc cần thiết trong 2 tháng tới, nhằm hướng tới việc xây dựng một hệ thống hiến pháp mới phục vụ người dân Syria".

Trong khi đó, Associated Press đưa tin rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc xem có nên xóa tên HTS khỏi danh sách nhóm khủng bố hay không, với nhận định rằng, HTS sẽ là "thành phần quan trọng" trong tương lai gần của Syria, theo lời của hai quan chức cấp cao Nhà Trắng.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump, người chỉ hơn 1 tháng nữa sẽ nắm quyền ở Nhà Trắng lại vừa nói trên mạng xã hội Truth Social rằng, Washington "không nên can thiệp".

Một ưu tiên khác trong quá trình tái thiết Syria là tỉnh Deir el-Zour ở phía Đông - nơi nắm giữ khoảng 40% trữ lượng dầu mỏ và một số mỏ khí đốt của Syria. Tỉnh này hiện nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn.

Hiện tại sau khi lệnh giới nghiêm toàn quốc được ban hành, hầu hết các cửa hàng trên khắp Syria vẫn đóng cửa. Nhưng một số hoạt động kinh tế đang dần trở lại, Ngân hàng trung ương Syria và một số ngân hàng thương mại đã mở cửa trở lại, các nhân viên đã được yêu cầu quay lại làm việc. Tiền tệ của Syria cũng sẽ tiếp tục được sử dụng.

Bộ Dầu mỏ Syria cũng yêu cầu tất cả nhân viên quay lại làm việc từ ngày 10/12 và cam kết cung cấp biện pháp bảo vệ để đảm bảo an toàn cho họ.

Trưởng phòng viện trợ của Liên hợp quốc Tom Fletcher đã viết trên X rằng, cơ quan của ông sẽ "phản ứng ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, [và] bất cứ cách nào có thể, để hỗ trợ những người có nhu cầu, các trung tâm tiếp nhận cũng được mở ra, bao gồm thực phẩm, nước, nhiên liệu, lều, chăn".

Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu lập tức tuyên bố sẽ tạm dừng các yêu cầu xin tị nạn cho công dân Syria, cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc, UNHCR đã kêu gọi "kiên nhẫn và cảnh giác" về vấn đề người tị nạn trở về. Áo đã đi xa hơn hầu hết các quốc gia EU, khi tuyên bố rằng, họ đang chuẩn bị một "chương trình hồi hương và trục xuất có trật tự" cho người Syria.

Như vậy, những thách thức đối với đất nước và nền kinh tế Syria vẫn còn rất lớn và bất định còn đợi họ ở tương lai. Trong khi quá trình phục hồi mong manh sẽ rất cần sự hỗ trợ từ phần còn lại của thế giới.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/syria-them-mot-thu-pham-day-de-che-assad-sup-do-chong-vanh-297231.html
Zalo