Syria - Cuộc chơi mới của bên ngoài
Tất cả các thế lực ở ngoài Syria, kể cả những bên hậu thuẫn lực lượng Hay'at Tahrir al-Sham (HTS), đều bị bất ngờ về thắng lợi quá dễ dàng của lực lượng HTS và sự sụp đổ quá nhanh chóng của chính thể của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.
Bất ngờ lớn nữa là Nga và Iran đều cũng rất nhanh chóng và dứt khoát buông bỏ Syria. Trong suốt thời gian dài, Syria với ông Bashar al-Assad là mắt xích rất quan trọng của cả Nga lẫn Iran trong chiến lược của họ đối với khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. HTS đã thành lập chính phủ quá độ nhưng chưa cho biết chủ định về tương lai chính trị của Syria, mới chỉ cho thấy rất nỗ lực để tránh bị bên ngoài cảm nhận là đối địch phương Tây và bị coi là nhóm phái Hồi giáo cực đoan.
Khoảng trống quyền lực mới hình thành và diễn biến tình hình rất phức tạp ở Syria là tình huống mới, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chiến lược của nhiều đối tác bên ngoài. Đối với họ, ở Syria hiện có hai ẩn số lớn phải đặc biệt lưu tâm là tới đây có bùng phát nội chiến giữa các phe phái ngay hay không và chính thể mới ở Syria sẽ như thế nào.
Iran và Nga bị thua thiệt nhiều nhất. Nhưng Nga vẫn đỡ hơn Iran khi vẫn còn có căn cứ quân sự và binh lính đồn trú ở Syria. Duy trì những căn cứ quân sự này và chừng nào còn binh lính đồn trú ở Syria, Nga chừng ấy còn chân trong cuộc chơi mới về quyền lực và ảnh hưởng ở Syria.
Nói cách khác, Nga vẫn buộc được tất cả các bên tham gia cuộc chơi này phải lưu tâm thỏa đáng đến lợi ích của Nga cũng như duy trì dư địa cho khả năng lại can dự quân sự trực tiếp vào thời điểm nào đó sau này. Iran chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian mới có thể khôi phục được vị thế và ảnh hưởng đã từng có được ở Syria. Sau khi bị mất ảnh hưởng ở Syria, Iran giờ càng phải đặc biệt coi trọng liên kết với Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ được lợi nhiều nhất trong chuyện này và có nhiều
lợi thế nhất trong cuộc chơi mới ở Syria. Thành viên NATO này chống lưng cho cả HTS lẫn lực lượng Quân đội quốc gia Syria (SNA) vốn là hai lực lượng vũ trang mạnh nhất trong phe nhóm chống chính quyền của ông Bashar al-Assad lâu nay.
Thông qua đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây dựng được vai trò rất quyết định đối với diễn biến và kết cục của cuộc nội chiến mới nếu xảy ra giữa các phe cánh vũ trang ở bên trong Syria. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tận dụng triệt để biến cố hiện tại ở Syria nhằm đẩy Nga và Iran ra khỏi Syria; đồng thời đẩy người Kurd ra xa vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để triệt phá đến tận cùng khát vọng của người Kurd thành lập quốc gia độc lập ở vùng giữa Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại. Thổ Nhĩ Kỳ muốn biến Syria thành một con át chủ bài chiến lược mới cho cuộc chơi ảnh hưởng và quyền lực địa chính trị ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.
Các quốc gia Hồi giáo và Arab trong khu vực này đều sẽ phải điều chỉnh hoặc hoạch định lại chính sách với chính thể mới ở Syria. Họ không vội vàng mà chờ đợi. Họ không vội tham gia cuộc ganh đua ảnh hưởng và xí phần ở Syria.
Mỹ và Israel được lợi khi chính thể của ông Bashar al-Assad bị sụp đổ. Nhưng Mỹ lại rất lo ngại về nguy cơ trỗi dậy của các lực lượng Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là tàn binh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Cả Mỹ và Israel đều phải phòng ngừa, đồng thời sẽ làm mọi cách để ngăn chặn sự hình thành chính thể Hồi giáo cực đoan mới ở Syria. Vì thế, họ đã hành động quân sự dữ dội trong những ngày vừa qua. Cho nên, không biết hiện bắt đầu thời kỳ mới hay bi kịch mới đối với Syria.