Suy thận nguy kịch vì tự ý uống thuốc Nam
Sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc khiến bệnh nhân suy thận rơi vào tình trạng nguy kịch, buộc lọc máu cấp cứu.

Bệnh nhân lọc máu do suy thận. Ảnh: Phương Anh.
Trung tâm Y tế khu vực Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) mới đây tiếp nhận và cấp cứu kịp thời ông Đ.C.C. (trú tại xã Xuân Đài, tỉnh Phú Thọ) trong tình trạng mệt mỏi nhiều, khó thở, suy kiệt toàn thân.
Bệnh nhân này có tiền sử tăng huyết áp, gút và suy thận. Thay vì tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, ông tự ý sử dụng thuốc Nam trong suốt 3 tháng gần đây. Theo bác sĩ chuyên khoa I Lưu Văn Thìn, việc dùng thuốc không rõ nguồn gốc, liều lượng và tác dụng phụ không được kiểm soát khiến tình trạng bệnh không những không cải thiện mà còn diễn tiến nặng hơn.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn nặng và chỉ định lọc máu cấp cứu. Sau hai ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định, hiện tiếp tục được theo dõi và chăm sóc tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc.
Bác sĩ Thìn khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc ngưng điều trị khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên môn, đặc biệt với các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, suy thận, gút… Việc tự ý điều trị có thể dẫn tới biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Không chỉ riêng ông C., các bác sĩ tại khoa Hồi sức của nhiều bệnh viện cho biết thời gian gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì biến chứng suy thận cấp do tự ý dùng thuốc Nam có xu hướng gia tăng.
Tại một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, bác sĩ kể lại trường hợp một nam bệnh nhân được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn 5, giai đoạn cuối của bệnh. Bệnh nhân này cũng có tiền sử tăng huyết áp, gút và từng được khuyến cáo phải điều trị đều đặn. Thế nhưng, trong ba tháng gần đây, ông tự ý dùng thuốc Nam tại nhà, hy vọng cải thiện sức khỏe mà không thông báo cho bác sĩ.
Nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, khó thở. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị đợt cấp của suy thận mạn, kèm theo tăng kali máu một tình trạng có thể gây ngừng tim, đe dọa tính mạng. Dù được điều trị nội khoa, tình trạng bệnh không cải thiện, các bác sĩ buộc phải lọc máu cấp cứu.
May mắn, chỉ số kali máu sau lọc đã ổn hơn. Nhưng bệnh nhân đã ở giai đoạn 5, buộc phải phẫu thuật tạo cầu nối mạch máu ở tay để chuẩn bị cho lọc máu định kỳ. Hiểu đơn giản là thận của bệnh nhân giờ chỉ còn tạo được ít nước tiểu, còn chức năng lọc chất độc gần như mất hẳn.
Theo bác sĩ Thìn, bệnh thận mạn tính thường âm thầm, không triệu chứng rõ rệt. Nhiều người hoàn toàn không biết mình mắc bệnh cho đến khi nhập viện. Việc tự ý dùng thuốc Nam hoặc giấu thông tin sử dụng thuốc khiến bác sĩ khó khăn trong chẩn đoán, trì hoãn xử trí, khiến bệnh nhân mất đi “thời gian vàng” cứu chức năng thận.
"Trong suy thận mạn, kali máu thường tăng rất cao. Nếu không xử lý kịp, bệnh nhân có thể tử vong vì ngừng tim. Thêm nữa, tự ý dùng thuốc Nam mà không kiểm soát nguồn gốc, thành phần, liều lượng chỉ làm bệnh nặng hơn", bác sĩ Thìn cảnh báo.
Tại Việt Nam, tỷ lệ suy thận mạn chiếm khoảng 6-7% dân số trưởng thành. Mỗi tháng, các bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca suy thận mạn phải lọc máu cấp cứu. Gánh nặng điều trị không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn tiêu tốn chi phí rất lớn cho bệnh nhân và gia đình.