Gia Lai là địa phương sở hữu văn hóa đa sắc màu. Chính vì vậy, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của cộng đồng dân tộc Jrai, Bahnar cũng là việc làm thiết thực góp phần phát triển nghề dệt thổ cẩm nói riêng và nghề truyền thống nói chung.
Du khách tìm hiểu, cảm nhận về nét đẹp truyền thống kết hợp với vẻ đẹp hiện đại của thổ cẩm trong không gian thân thiện, gần gũi tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).
Thổ cẩm của người Jrai ở làng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) tạo được sức hút mạnh mẽ với du khách bởi nét đặc trưng và ý nghĩa riêng về kỹ thuật nhuộm vải, thêu hoa văn, được truyền từ đời này sang đời khác, tạo nên bức tranh thổ cẩm đa sắc, độc đáo.
Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của làng Chúet Ngol (xã Chư Á, TP. Pleiku) thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm và đặt hàng. Công tác duy trì và phát triển nghề truyền thống, biến thổ cẩm thành hàng hóa, thu hút khách du lịch được Tổ hợp tác đặc biệt chú trọng.
Hoa văn trên trang phục cũng như trên các vật dụng làm từ thổ cẩm của người Jrai ở làng Chúet Ngol thường theo mô típ tượng trưng, cách điệu các hình tượng từ thiên nhiên và đời sống thường ngày như hoa lá, động vật. Thổ cẩm làng Chúet Ngol dần vươn ra thị trường, đến gần hơn với du khách thập phương.
Được xem là một trong những khúc “biến tấu” từ thổ cẩm truyền thống, trang phục áo cưới từ thổ cẩm của anh Tưih (làng Dur, xã Glar, huyện Đak Đoa) đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương và khách du lịch, góp phần đưa sắc màu thổ cẩm Bahnar vươn xa.
Thổ cẩm được may thành áo dài, váy cưới, đầm dạ hội… mang đến một sức sống mới với những đường dệt tinh xảo, không chỉ phục vụ người dân trong các ngôi làng mà còn chinh phục hầu hết du khách mỗi khi tới với vùng đất Gia Lai.
Chính sức hút từ thổ cẩm đã tạo động lực để mỗi bạn trẻ Jrai, Bahnar có thêm động lực để nối tiếp niềm đam mê nghề dệt thổ cẩm truyền thống.