Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Đáp ứng luật hiện hành và mô hình kinh doanh mới

Luật Thuế thu nhập cá nhân trong giai đoạn vừa qua đã góp phần quan trọng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư; đảm bảo động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư... Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển, hội nhập những năm gần đây và do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, cần thiết phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân để đáp ứng luật hiện hành và mô hình kinh doanh mới.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ. Theo dự thảo, kể từ khi ban hành năm 2007 đến nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được rà soát sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014 theo các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 1/7/2013); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế số 71/2014/QH13 (áp dụng từ 1/1/2015) và tại một số Luật chuyên ngành khác cũng đã sửa đổi, bổ sung một số điều.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Nhờ đó, đã góp phần quan trọng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư; đảm bảo động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư; khuyến khích minh bạch các nguồn thu nhập của cá nhân trong lao động, sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng.

Khuyến khích minh bạch các nguồn thu nhập

Tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số đánh giá cụ thể.

Theo đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra định hướng: “Chính sách tài chính quốc gia phải động viên hợp lý, phân phối và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; phân phối các lợi ích ngày càng công bằng. Tiếp tục hoàn thiện chính sách và hệ thống thuế....”.

Đồng thời, tại Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý...; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện...”.

Chiến lược này cũng đã đặt ra các yêu cầu, định hướng cụ thể đối với việc sửa đổi, bổ sung chính sách thuế thu nhập cá nhân, trong đó có yêu cầu về mở rộng cơ sở thuế và xác định rõ thụ nhập chịu thuế; sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế; điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp.

Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng trên các nguyên tắc “lợi ích”, “công bằng” và “khả năng nộp thuế”. Ảnh minh họa.

Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng trên các nguyên tắc “lợi ích”, “công bằng” và “khả năng nộp thuế”. Ảnh minh họa.

Việc áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 mức thuế suất từ 5% đến 35% và thuế suất toàn phần đối với hộ kinh doanh là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong thời gian qua, góp phần điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội.

Cũng theo Bộ Tài chính, thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân nhằm tăng cường công tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng trên các nguyên tắc “lợi ích”, “công bằng” và “khả năng nộp thuế”. Theo nguyên tắc “lợi ích” thì mọi người trong xã hội đều được hưởng những thành quả phát triển của đất được về thể chế luật pháp, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục... đồng thời cũng có nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập của mình cho xã hội thông qua việc nộp thuế.

Nguyên tắc “công bằng” và “khả năng nộp thuế” thể hiện ở chỗ: người có thu nhập cao hơn thì nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khó khăn hơn thì nộp thuế ít hơn, người có thu nhập thấp chưa phải nộp thuế.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa nhóm người có thu nhập cao và nhóm người có thu nhập thấp cũng có xu hướng ngày càng tăng. Như vậy, việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần đảm bảo tính hợp lý, công bằng, hiệu quả của hệ thống chính sách thuế và hạn chế sự gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư; đồng thời, Nhà nước cũng nắm được thông tin về thu nhập của cá nhân góp phần phòng chống tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Đồng thời, thời gian qua, các cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh, từ chuyển nhượng bất động sản và một số khoản thu nhập khác đã thực hiện đóng góp một phần thu nhập của mình vào ngân sách nhà nước.

Đảm bảo công bằng xã hội

Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế thời gian qua, các thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ... đã có sự phát triển mạnh mẽ.

Việc thực hiện, hoàn thiện chính sách thuế thu nhập cá nhân đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ điều tiết thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; qua đó góp phần giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, giữa tăng trưởng với công bằng xã hội và xóa đói giảm nghèo, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân nhằm đảm bảo ổn định nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Ảnh: TL.

Thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân nhằm đảm bảo ổn định nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Ảnh: TL.

Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo thói quen cho người dân về thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân. Cùng với việc tăng cường các biện pháp tuyên truyền chính sách thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua nhiều đối tượng nộp thuế đã ý thức trách nhiệm của cá nhân về nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Cùng với đó, thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân nhằm đảm bảo ổn định nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Kinh tế - xã hội càng phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì nhu cầu chi tiêu của Nhà nước để giải quyết các vấn đề an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế..., cũng ngày càng gia tăng.

Trong tiến trình phát triển, hội nhập những năm gần đây và do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành cũng cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu về cải cách thuế thu nhập cá nhân; mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc…

Bên cạnh đó, chính sách thuế thu nhập cá nhân đã được sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ cho cá nhân, người lao động trong những giai đoạn khó khăn, tăng trưởng chậm, đặc biệt trong 6 năm gần đây trước các ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc thực hiện các chính sách này trong những giai đoạn vừa qua đã có tác động tích cực, kịp thời và đã nhanh chóng phát huy hiệu quả trên thực tiễn. Qua đó, cùng với việc tổ chức thực hiện các chính sách có liên quan khác đã góp phần quan trọng trong việc từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người dân trong những giai đoạn khó khăn.

Đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua có thể thấy, việc thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân đã thể hiện và phát huy được vai trò của thuế thu nhập cá nhân là một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam hiện nay./.

Xuất phát từ những cơ sở thực tiễn nêu trên, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội; các bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để lấy ý kiến về hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-dap-ung-luat-hien-hanh-va-mo-hinh-kinh-doanh-moi-180267.html
Zalo