Sửa Luật Công đoàn, đáp ứng yêu cầu hội nhập
Thảo luận về Luật Công đoàn, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với hiến pháp và hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) là cần thiết nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật Công đoàn; tiếp cận và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh mà luật chưa điều chỉnh.
Trong đó, dự thảo cần giao quyền chủ động kiểm tra, giám sát cho tổ chức công đoàn. Việc trở thành chủ thể kiểm tra, giám sát sẽ giúp Công đoàn Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Để đảm bảo được vai trò hoạt động của tổ chức công đoàn, cần đảm bảo nguyên tắc độc lập về tổ chức cán bộ và kinh phí. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng trong thực tiễn, cán bộ công đoàn chuyên trách có số lượng rất hạn chế, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, do người sử dụng lao động bố trí, kinh phí hoạt động cũng ít ỏi nên hiệu quả hoạt động của công đoàn không đạt được như mong muốn.
Tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn, các đại biểu góp ý vào nhiều nội dung của dự thảo luật như giao cho tổ chức công đoàn chủ động trong công tác cán bộ sẽ phù hợp trong quá trình quan tâm các chế độ, chính sách cho cán bộ công đoàn của hệ thống. Từ đó, đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.