Sửa đổi Nghị định 53/2013/NĐ-CP: Hoàn thiện hành lang pháp lý để VAMC hoạt động hiệu quả hơn
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định Hồ sơ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31/3/2015 và Nghị định số 18/2016/NĐ-CP ngày 18/3/2016 của Chính phủ.
NHNN cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 53 nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản sau đây: Đảm bảo tổ chức, hoạt động của VAMC phù hợp với các quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (TCTD). Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 53 sẽ tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, điều chỉnh thống nhất hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán nợ của VAMC.
VAMC là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát trực tiếp của NHNN. Việc thành lập và tổ chức, hoạt động của VAMC theo quy định tại Nghị định 53. Hoạt động mua nợ của VAMC nhằm góp phần quản lý và xử lý hiệu quả nợ xấu của TCTD, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Cơ quan soạn thảo đánh giá, sau gần 12 năm hoạt động kể từ khi được thành lập theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP, VAMC đã khẳng định vai trò quan trọng trong xử lý nợ xấu, góp phần cơ cấu lại hệ thống các TCTD. VAMC đã xử lý và thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu, hỗ trợ giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng vay và thúc đẩy sự hình thành thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

Sửa đổi Nghị định 53 để VAMC hoạt động hiệu quả hơn
Tuy vậy, hoạt động của VAMC cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, Nghị định 53 hiện hành chưa cập nhật đầy đủ theo Luật các TCTD năm 2024, đặc biệt là về phạm vi đối tượng và phương thức mua nợ xấu. Ngoài ra, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây chồng chéo trong phê duyệt kế hoạch kinh doanh hàng năm. Những bất cập phát sinh đòi hỏi cần sớm sửa đổi Nghị định 53 nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAMC trong giai đoạn tới.
Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 53 theo định hướng: bảo đảm tổ chức, hoạt động của VAMC phù hợp với Luật các TCTD năm 2024 và các quy định pháp luật liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động của VAMC cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; rà soát sửa đổi, hủy bỏ các thủ tục hành chính trùng lặp, không cần thiết, tối thiểu hóa các thủ tục hành chính cho VAMC theo chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và của Ngành.
Về các nội dung đáng chú ý, cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định 53: “Khách hàng vay có khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản và có phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư khả thi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục xem xét, cấp tín dụng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật”. NHNN cho biết, thay cụm từ “phương án sản xuất, kinh doanh khả thi” bởi cụm từ “phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư khả thi” để phù hợp với tình hình thực tế, khách hàng vay nợ có thể có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc có dự án đầu tư khả thi.
Bên cạnh đó, NHNN cho biết sẽ hủy bỏ quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 53 về: “Hội đồng thành viên của Công ty Quản lý tài sản xây dựng phương án mua các khoản nợ xấu theo phương thức quy định tại Khoản 2 Điều này trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi thực hiện”.
Theo cơ quan soạn thảo, phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường là một phần quan trọng, là một trong những bộ phận không thể thiếu trong kế hoạch kinh doanh hàng năm của VAMC. Bên cạnh đó, VAMC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, việc quản lý và sử dụng vốn của VAMC phải tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Theo quy định, kế hoạch kinh doanh hàng năm của VAMC phải được NHNN phê duyệt (điểm d khoản 2 Điều 42 Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014) hoặc phải được NHNN-cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu phê duyệt các chỉ tiêu cơ bản (theo dự thảo Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13).
Như vậy, việc bỏ phê duyệt Phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường - một phần của kế hoạch kinh doanh hàng năm của VAMC sẽ cắt giảm được thủ tục hành chính không cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với chủ trương của nhà nước về cắt giảm thủ hành chính.
Đồng thời, cũng tại Điều 7 của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP sẽ bổ sung quy định VAMC mua nợ xấu của TCTD 100% vốn nước ngoài, TCTD liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua theo giá trị thị trường để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật các TCTD năm 2024.