Sự trở lại ngoạn mục của tân Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim
Người dân Malaysia cuối cùng cũng có Thủ tướng mới, đó là ông Anwar Ibrahim - lãnh đạo phe đối lập. Chính trị gia này đã làm nên lịch sử khi mất 24 năm chờ đợi, trải qua các vị trí Bộ trưởng, Phó Thủ tướng… cùng hơn 10 năm chịu các án tù, để rồi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Ông Anwar Ibrahim (75 tuổi) đã tuyên thệ nhậm chức tại Cung điện Hoàng gia Istana Negara ở Thủ đô Kuala Lumpur ngày 24-11. Việc ông Anwar Ibrahim được bổ nhiệm làm Thủ tướng Malayasia đã tạm thời chấm dứt một mùa bầu cử hỗn loạn, trong đó chứng kiến sự sụp đổ của nhà chính trị kỳ cựu Mahathir Mohamad, chiến thắng đáng ngạc nhiên của một đảng Hồi giáo cực hữu và cuộc đấu đá nội bộ bất tận giữa các đảng được cho là đồng minh.
Cuộc tổng tuyển cử của Malaysia hôm 19-11 đã lần đầu tiên tạo ra tình trạng “quốc hội treo” ở nước này, khiến nhà vua yêu cầu các liên minh hàng đầu trình bày phương án thành lập chính phủ và đề cử thủ tướng. Nhưng cuộc họp hôm 22-11 không mang lại kết quả, bởi liên minh Barisan Nasional được nhà vua ủng hộ xảy ra hỗn loạn do mâu thuẫn về việc đảng nào sẽ lãnh đạo. Trong khi đó, liên minh Pakatan Harapan của ông Anwar giành được số ghế quốc hội cao nhất là 82 nhưng vẫn thiếu so với 112 ghế, con số cần thiết để thành lập chính phủ. Gần 1 tuần sau cuộc tổng tuyển cử, ông Anwar Ibrahim cuối cùng đã thu hút đủ sự ủng hộ của các đảng để thành lập chính phủ liên minh, ngăn chặn sự trỗi dậy của các lực lượng chính trị bảo thủ hơn - ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
Sau khi tham khảo ý kiến của các quan chức, Quốc vương Malaysia đã phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Anwar làm Thủ tướng thứ 10 của nước này. Sinh năm 1947, ông Anwar từng là nhà lãnh đạo thanh niên Hồi giáo với các cuộc biểu tình chống chính phủ nêu bật tình trạng nghèo khó ở miền Bắc Malaysia vào giữa những năm 1970. Lần lượt giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ năm 1991 và Phó Thủ tướng từ năm 1993, ông được cho là người kế nhiệm tiềm năng của Thủ tướng Mahathir Mohamad. Ông Anwar Ibrahim là người đã thành lập phong trào chính trị Reformasi từ những năm 1990, chủ trương vì công bằng và bình đẳng xã hội. Ông cũng nổi tiếng là người ủng hộ nền dân chủ Hồi giáo và trước đây từng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - người từng được coi là một nhà dân chủ ôn hòa.
Từng là cấp phó của Thủ tướng Mahathir, ông Anwar sau đó trở thành đối thủ gay gắt do tranh cãi về các biện pháp kinh tế. Hai chính trị gia kỳ cựu lại hợp lực một lần nữa vào năm 2018, mang lại sự thay đổi quyền lực ở Malaysia khi chấm dứt 60 năm cầm quyền của liên minh Barisan Nasional. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này kể từ đó rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị, thay đổi Thủ tướng 2 lần. Trong đó, ông Najib Razak - cựu Thủ tướng và cựu Chủ tịch của Barisan Nasional bị kết án 12 năm tù do dính líu tới vụ bê bối trị giá hàng tỷ đô la của Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia Development Berhad (1MDB).
Chính trị gia Anwar Ibrahim cũng đã bị tố cáo và ngồi tù 2 lần vì những tội danh mà ông bị cáo buộc là do động cơ chính trị, nhưng hiện giờ ông đang ở trên đỉnh cao quyền lực. Các nhà phân tích cho biết, giờ đây ông Anwar phải đối mặt với thách thức lớn trong việc đoàn kết các cử tri đang bị chia rẽ. Một số cư dân mạng cho biết, họ đóng cửa cả ngày hoặc rời văn phòng sớm để xem lễ tuyên thệ tại Cung điện Hoàng gia Istana Negara. Hiện dư luận quan tâm đến việc liệu tân Thủ tướng có thể mang lại sự ổn định chính trị như người Malaysia mong đợi hay không. Ông James Chai, một thành viên của Chương trình Nghiên cứu Malaysia tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) nhận định: “Chỉ một người như ông Anwar mới có thể hiểu rõ những mâu thuẫn của Malaysia và đưa đất nước sang một trang sử mới. Nhiều người cho rằng ông ấy chính xác là những gì quốc gia cần. Thế hệ Reformasi có thể thở phào nhẹ nhõm sau nhiều năm tuyệt vọng”.
Phác thảo của tân Thủ tướng Malaysia trong nhiệm kỳ mới
Trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Malaysia vào tối 24-11, ông Anwar Ibrahim đã phác thảo các kế hoạch phát triển đất nước. Ông nói: “Chính phủ sẽ đảm bảo và bảo vệ quyền lợi của tất cả người dân Malaysia, đặc biệt là những người bị thiệt thòi và nghèo khó, bất kể chủng tộc hay tôn giáo”. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách: “Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa hiệp về quản trị tốt, nỗ lực chống tham nhũng, nền tư pháp độc lập và vì phúc lợi của người dân Malaysia”.