Sự trở lại của Vodou ở Haiti

Nhắc đến đạo Vodou thì nhiều người hẳn sẽ nghĩ ngay đến những bà thầy đồng Haiti bị 'hồn nhập' mà nhảy múa điên cuồng cùng với đám đông tín đồ. Vậy nhưng tại chính quê hương Haiti thì đạo Vodou đã bị gạt ra ngoài xã hội từ nhiều thế kỷ.

Đa phần người Haiti theo một trong các nhánh Công Giáo khác nhau. Chỉ mới từ hơn mười năm trở lại đây, số tín đồ đạo Vodou ở Haiti mới bắt đầu tăng mạnh. Sự trỗi dậy của thứ tín ngưỡng địa phương này có liên hệ trực tiếp đến tình hình khủng hoảng tại đảo quốc vùng Caribe.

Một buổi lễ mừng lúa mới của đạo Vodou.

Một buổi lễ mừng lúa mới của đạo Vodou.

Đi tìm hy vọng

Trong khi các vết thương do thảm họa động đất 2010 gây ra còn chưa nguôi ngoai thì Haiti đã bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng mới. Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát ngay tại nhà riêng vào đêm 7/7/2021, ông Ariel Henry lên làm thủ tướng tạm thời nhưng vừa không cải thiện được tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, lại vừa chịu tình nghi trong vụ ám sát cố tổng thống, từ đó gây ra khủng hoảng về sự tín nhiệm của nhà nước. Port-au-Prince đã mất hoàn quyền toàn kiểm soát đất nước vào tay các băng đảng. Hơn 2.500 dân thường Haiti đã bị tội phạm sát hại hoặc làm bị thương chỉ trong Quý 1 năm nay. Chưa hết, 360.000 người Haiti đang phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, và gần 2 triệu người Haiti đang chịu đựng nạn đói.

Dân thường Haiti thức dậy mỗi sáng mà lo lắng không biết họ có sống đến cuối ngày hay không. Họ tìm đến những thầy cúng (gọi là “oungan”), bà đồng Vodou (“mambo”) để làm nỗi lo tạm biến mất. Các oungan, mambo làm lễ cầu thần linh và linh hồn những người đã khuất để xin cho tín chủ đủ mọi thứ, từ xin tìm được thuốc men để cứu cha mẹ nằm liệt giường đến xin cho con cái trở về an toàn từ tay bọn bắt cóc.

Bà đồng Sherly Norzéus cho biết: “Các linh hồn luôn ở quanh bạn. Bạn chỉ cần biết cách cầu xin họ. Hồi tháng hai vừa qua có một toán 20 tên cướp bất ngờ chặn đường xe hơi của tôi. Tôi đang chở ba đứa con với hai đứa cháu họ gọi là cô ruột đi lánh nạn khỏi Bon Repos. Bọn cướp dọa sẽ giết chúng tôi rồi đốt xe. Thế là tôi bèn cầu khấn thần chiến tranh Papa Ogou cho tai qua nạn khỏi. Khi tôi cầu xong mở mắt ra thì thấy bọn cướp ra hiệu cho phép xe đi tiếp. Đấy, các vị thần luôn bảo vệ người thành tâm cầu nguyện”.

Giữa lúc phải sống trong tuyệt vọng, có vẻ như tôn giáo là cách mà người Haiti quên đi thực tại. Bất kỳ chỗ nào có đông người Haiti tụ tập là lại tổ chức lễ cúng. Người nghèo, người bệnh, người không nhà không cửa cùng nhau nhảy múa và hát các bài hát bằng tiếng Creole với những câu từ như: “Chúng ta không quan tâm chúng ghét chúng ta, vì chúng không thể chôn chúng ta”. Cứ nghe thấy tiếng cười của các tín đồ thì thật khó để tưởng tượng rằng cái chết đang cận kề với họ.

Vodou là một tôn giáo sinh ra trong tuyệt vọng. Những người nộ lệ da đen bị bắt đưa từ Châu Phi sang Haiti đem theo tín ngưỡng của tổ tiên nhằm giữ lại một chút hy vọng. Lâu dần thì tín ngưỡng Châu Phi gặp gỡ, hòa trộn với đức tin Công giáo để sản sinh ra một tôn giáo mới. Nhà xã hội học Haiti Laennec Hurbon từng viết: “Vodou là hệ thống đức tin mà các nô lệ đã phát triển để giúp họ đối mặt với những nỗi đau họ trải qua hằng ngày. Mục tiêu của các tín đồ Vodou là giảm thiểu nỗi khổ đau, tránh được những thảm kịch, và làm cứng lòng mình lại”.

Trong đạo Vodou chỉ có một vị thần (như Công giáo) gọi là “Bondye”. Từ này trong tiếng Creole nghĩa là “Phúc Thần”. Ở dưới Bondye là hơn 1.000 linh hồn khác nhau gọi là “Iwa”. Các Iwa được tin là có mặt tại khắp nơi, trong cây cà phê, cây mía, con ngựa, con bò, cơn mưa,... Các oungan, mambo làm lễ để “mời” Iwa nhập vào họ, rồi thông qua họ mà thụ hưởng lễ vật và ban phước cho tín đồ. Ngoài ra các ougan và mambo còn chủ trì một số nghi lễ khác, quan trọng nhất là đám tang và lễ “calenda” tổ chức vào tối Chủ nhật. Calenda cũng là từ chỉ điệu nhảy của tín đồ thực hiện trong buổi lễ này.

Ngay từ thời Vodou mới nhen nhóm, các ông chủ nô lệ Châu Âu đã coi tôn giáo này như là kẻ thù của họ. Họ không muốn bất kỳ ông thầy cúng, bà đồng nào nắm giữ quyền ảnh hưởng lên nô lệ. Mặt khác chính các oungan, mambo cũng giúp những người nô lệ đào trốn khỏi đồn điền và vào rừng lập làng tự do. Dutty Boukman, người anh hùng dân tộc đã dẫn dắt 200 nô lệ khởi nghĩa châm ngòi cho cuộc cách mạng Haiti, cũng vốn là một oungan. Trước khi nổi dậy ông còn tổ chức lễ cúng Vodou để mọi người lập lời thề trước các Iwa.

Cuộc cách mạng Haiti thắng lợi, Haiti trở thành đất nước tự do nhưng người dân vẫn còn bị đàn áp. Chế độ mới nằm trong tay các mulatto, tức là những người mang hai dòng máu Châu Âu - Châu Phi và giàu lên nhờ làm tay sai cho chủ đồn điền. Người da đen thoát khỏi cảnh nô lệ nhưng vẫn phải sống trong kìm kẹp. Nhà cầm quyền mulatto vẫn tiếp tục chế độ đàn áp đạo Vodou. Hàng nghìn tín đồ Vodou bị công khai chém đầu hoặc buộc phải cải sang Công giáo. Phải đến khi Francois Duvalier lên nhận chức Tổng thống vào năm 1957 thì người dân Haiti mới được tự do theo đạo Vodou. Rồi phải đến thời Tổng thống Jean-Bertrand Aristide (nhận chức năm 2003) thì chính quyền Haiti mới chính thức công nhận Vodou là một trong các tôn giáo quốc gia.

Đến tận ngày nay vẫn còn một số người Haiti kỳ thị tín đồ Vodou. Anh Kadel Bazile, một kỹ sư 42 tuổi, cho biết: “Nhiều tín đồ Vodou không dám nói ra đức tin của mình vì sợ không nhận được việc, không được bác sỹ chữa bệnh,... Chính tôi cũng từng coi đạo Vodou là một thứ gì kỳ quái lắm”.

Kadel Bazile vốn là một con chiên Công giáo, nhưng vào hai năm trước anh liên tục gặp phải trắc trở trong cuộc sống - anh mất việc rồi bị vợ bỏ. Một anh bạn gợi ý Bazile đi gặp bà đồng Vodou. Thế là Bazile trở thành tín đồ Vodou. Anh cho biết: “Nhờ Vodou mà tôi tìm thấy lẽ sống mới và gia đình mới... Iwa của tôi là Erzulie Dantor là linh hồn của tình yêu. Erzulie Dantor sống trong tôi và sẽ phù hộ tôi suốt đời”.

Ông Cecil Elien Isac, một oungan trong gia đình đã có bốn đời làm thầy cúng, nhận xét: “Mỗi khi có người nào gặp rắc rối là họ lại đến tìm tôi, bởi vì ở Haiti không có công lý. Chỉ có các linh hồn mới có thể trả lại công bằng cho mọi người”. Ông Isac cho khánh thành một đền thờ Vodou cách đây 5 năm ở thủ đô Port-au-Prince. Ban đầu chỉ có 8 gia đình đến làm lễ, nhưng bây giờ có khoảng 4.000 tín đồ thường xuyên qua lại đền thờ. Ông Isac nhiều khi còn làm lễ qua mạng webcam cho các tín đồ sống ở nước ngoài.

Khủng hoảng ở Haiti đã khiến nhiều người tìm đến Vodou.

Khủng hoảng ở Haiti đã khiến nhiều người tìm đến Vodou.

Vượt khỏi biên giới

Đạo Vodou đang lan rộng không chỉ ở trong biên giới Haiti. Nhiều người nước ngoài gốc Haiti đang trở thành tín đồ như là cách tìm về nguồn cội. Alain Pierre-Louis là một oungan nhưng lại sinh ra và lớn lên ở thành phố Boston, Mỹ. Anh cho biết: “Cha mẹ tôi luôn khuyến khích con gái tự hào về gốc gác Haiti của mình ngoại trừ bất kỳ thứ gì liên quan đến Vodou. Phải đến khi tôi lên đại học rồi tự mình tìm hiểu thì mới nhận ra được giá trị của Vodou. Vodou là một phần của Haiti cũng giống như đất và nước. Người dân Haiti có thể là tín đồ Công giáo, đạo Tin Lành,... nhưng những giá trị về đạo đức và văn hóa của Vodou có mặt trong mọi ngóc ngách cuộc sống”.

Tín đồ Vodou tranh nhau chạm vào cây thánh giá nhân ngày lễ mừng thánh George.

Tín đồ Vodou tranh nhau chạm vào cây thánh giá nhân ngày lễ mừng thánh George.

Anh Alain hiện là chủ tịch hiệp hội Lakou Ti Ayiti chuyên giáo dục người Mỹ về tín ngưỡng, phong tục và nghệ thuật trong đạo Vodou. Alain cho biết: “Không ít thành viên của Lakou Ti Ayiti trở thành tín đồ trong khoảng thời gian diễn ra đại dịch. Họ cảm thấy cuộc sống của mình bị đảo lộn, bản thân thì mất hoàn toàn phương hướng. Trong xã hội luôn đề cao chủ nghĩa cá nhân, họ cảm thấy rằng sẽ không ai chìa tay ra giúp họ. Người không giúp người thì đã có các linh hồn giúp người”.

Giám đốc Cục Nhân khẩu học Quốc gia Haiti Erol Josúe đồng thời cũng là một nhạc sỹ và oungan. Ông trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC: “Nhiều người đang cầu cứu Ogou Je Wouj hay còn gọi là “vị thần mắt đỏ”. Ogou là vị Iwas của chiến tranh. Ông cầm hai cây dao rựa bảo vệ những người yếu thế và trả lại công bằng cho họ”.

Khi Iwas nhập hồn vào thầy cúng hay tín đồ thì sẽ ban tặng sức mạnh cho con người. Tuy vậy chính các oungan và mambo cũng thẳng thắn thừa nhận rằng họ không thể tạo ra phép màu từ hư không được. Ông Cecil Elien Isac nói: “Chúng tôi cầu xin cho tín đồ, nhưng chúng tôi cũng luôn phải bảo họ luôn phải cẩn thận trong mọi chuyện... Các Iwa sẽ bảo vệ bạn khỏi bắt cóc, nhưng mà nếu bạn cứ khăng khăng đi vào chỗ có nhiều bọn cướp thì sẽ chẳng ai bảo vệ được bạn”.

Cũng phải nói thêm rằng nhiều tín đồ Vodou cũng đồng thời là con chiên Công giáo. Đó là vì bản thân trong Vodou cũng có không ít hình tượng, tín điều,... xuất phát từ đạo Thiên chúa. Ví dụ như thánh George trong đạo Công giáo cũng được Vodou coi là Iwa. Ở ngoại ô Port-au-Prince có một nhà thờ thánh George nhỏ. Các thầy cúng Vodou vẫn thường làm lễ ở đấy. Mỗi buổi lễ có thể thu hút hàng trăm tín đồ đi dâng tiền và cầu nguyện cho mình và gia đình thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại.

Ông Erol Josúe nhận xét: “Bản năng của người Haiti khi họ trở nên tuyệt vọng là tìm về với Vodou để cầu mong nhận được sự che chở và lòng dũng cảm. Tuy nhiên rất nhiều người trẻ trở thành tín đồ đang muốn thay đổi một số tín điều, tập tục để phù hợp với xã hội hiện đại. Các oungan và mambo lại thường bảo thủ và không dễ chấp nhận sự thay đổi. Chắc chắn hai bên sẽ còn phải đối thoại với nhau nhiều”.

Và rõ ràng, cho dù người Haiti theo tôn giáo nào đi nữa, đức tin cũng chỉ đem lại cho họ sự an ủi về mặt tinh thần. Vào ngày 6/5 vừa rồi, ba nữ xơ làm việc ở trại mồi côi La Medeleine (giáo phận Saint-Joseph de Cluny) đã bị bắt cóc giữa đêm. Cho đến thời điểm này những kẻ bắt cóc vẫn chưa đưa ra bất kỳ yêu cầu trả tiền chuộc nào. Trước đó đã có 5 thầy tu và 1 tín đồ Công giáo khác bị bắt cóc vào ngày 23/2.

Niềm hy vọng duy nhất của những tín đồ Công giáo Haiti là các nạn nhân trên sẽ sớm được trả tự do theo đúng tuyên bố của Jimmy “Barbecue” Chérizier, ông trùm tội phạm quyền lực nhất Haiti và lãnh đạo liên minh băng đảng Viv ansanm. Trước đó Viv ansanm châm lửa đốt một số đồn cảnh sát như là cách để phản đối thủ tướng Ariel Henry. Ông Henry sau đó từ chức vào ngày 24/4/2024. Nhiều người mong rằng hành động này sẽ mở đường cho công cuộc đàm phán giữa chính quyền và các băng đảng.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/su-tro-lai-cua-vodou-o-haiti-i733449/
Zalo