Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả - Trách nhiệm của toàn xã hội

Nếu tính tiêu thụ năng lượng và tiêu thụ điện năng trên đầu người, thì mỗi người Việt Nam tiêu thụ bình quân khoảng 2.500 kWh điện/năm.

Tính đến cuối 2023, theo số liệu của Bộ Công Thương, tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam đạt khoảng trên dưới 100 triệu tấn dầu quy đổi. Nếu tính tiêu thụ năng lượng và tiêu thụ điện năng trên đầu người, thì mỗi người Việt Nam tiêu thụ bình quân khoảng 2.500 kWh điện một năm. Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, tiêu thụ năng lượng của Việt Nam vẫn thấp so với các nước phát triển, nhưng chỉ số về cường độ năng lượng của chúng ta lại đang rất cao.

Dư địa cho việc tiết kiệm năng lượng, giảm cường độ năng lượng của Việt Nam còn rất lớn.

Dư địa cho việc tiết kiệm năng lượng, giảm cường độ năng lượng của Việt Nam còn rất lớn.

"So sánh về cường độ năng lượng của Việt Nam với các quốc gia phát triển. Chúng ta thấy rằng là để tạo ra 1.000 USD GDP thì chúng ta phải tiêu thụ là khoảng 280 kg dầu quy đổi. Đây là chỉ số cường độ năng lượng, nó đánh giá cái mức độ hiệu quả sử dụng năng lượng của một nền kinh tế. Nếu so sánh với các nước phát triển như Nhật Bản, các nước OECD hay là Hoa Kỳ, thì để tạo ra 1.000 USD GDP, người ta chỉ dùng khoảng tầm 90 đến 100 kg dầu quy đổi, có nghĩa là chúng ta cao hơn các nước phát triển này khoảng 3 lần. Điều này nói lên rằng, chúng ta sử dụng năng lượng còn chưa hiệu quả. Hay nói một cách khác là dư địa cho việc tiết kiệm năng lượng, giảm cường độ năng lượng của Việt Nam còn rất lớn".

Dự báo năm 2024, tiêu thụ điện năng cả nước có thể tăng trưởng trên 12%. Điều này không chỉ tạo ra những thách thức rất lớn trong việc bảo đảm cung ứng đủ nguồn năng lượng, nguồn điện cho phát triển nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững mà còn tạo ra áp lực, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao hơn nữa việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, Việt Nam hiện đã có Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mục tiêu là phải tiết kiệm từ 8-10% trên tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia trong cả giai đoạn 2019-2030. Nếu chúng ta được thực hiện được mục tiêu này thì sẽ mang lại ý nghĩa kinh tế, môi trường, xã hội rất lớn cho đất nước.

"Chương trình gồm 9 hợp phần. Thứ nhất là xây dựng, hoàn thiện thể chế khung pháp lý, thúc đẩy sử dụng năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các ngành lĩnh vực của nền kinh tế.

Thứ hai là hỗ trợ các cơ sở sử dụng năng lượng áp dụng các giải pháp công nghệ, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Thứ ba là xây dựng Trung tâm dữ liệu về tiêu thụ năng lượng quốc gia. Trung tâm sẽ theo dõi thường xuyên, cập nhật phân tích các số liệu để cơ quan quản lý Nhà nước nắm được và kịp thời thực thi các biện pháp phù hợp, hiệu quả để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ tư là đào tạo và nâng cao năng lực, không chỉ trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm mà đối với tất cả các đối tượng sử dụng năng lượng như là các cơ quan hành chính, sự nghiệp, cộng đồng xã hội, dân cư… Các chương trình đào tạo sẽ được lồng khép đưa vào trong các cấp độ giáo dục từ mẫu giáo, mầm non cho đến bậc đại học".

Ngoài ra, Chương trình cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực sử dụng năng lượng, tiết kiệm hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sử dụng năng lượng; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, áp dụng cho Việt Nam. Cuối cùng, đó là việc thành lập quỹ thúc đẩy về tiết kiệm năng lượng. Quỹ sẽ giúp giải được bài toán về vốn, về cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp để có thể mạnh dạn đầu tư vào các công nghệ mới, công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Thái Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/su-dung-nang-luong-tiet-kiem-hieu-qua-trach-nhiem-cua-toan-xa-hoi-102240529083315171.htm
Zalo