Sử dụng điện thoại trong trường học: Mỗi nơi một cách quản

Đề xuất của TP. Hồ Chí Minh về việc hạn chế học sinh dùng điện thoại trong trường học đã nhận được nhiều ý kiến từ học sinh, phụ huynh, giáo viên và chuyên gia.

Không phải chủ trương mới

Vừa qua, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã giao Phòng Học sinh – Sinh viên nghiên cứu, tham mưu phương án hạn chế học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường. Theo đó, học sinh chỉ được sử dụng điện thoại khi giáo viên bộ môn cho phép và phục vụ mục đích học tập trong giờ học. Ngoài ra, các trường được yêu cầu tổ chức thêm hoạt động thể thao, giao lưu trong giờ ra chơi nhằm tăng tương tác trực tiếp giữa học sinh.

Thực tế, đây không phải là chủ trương mới. Từ nhiều năm nay, việc học sinh lạm dụng thiết bị công nghệ trong trường học đã được phụ huynh, giáo viên và chuyên gia giáo dục cảnh báo. Nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước đã chủ động áp dụng các mô hình quản lý sử dụng điện thoại khác nhau. Có nơi cấm hoàn toàn, có nơi cho phép có kiểm soát. Ngay sau khi đề xuất được công bố, vấn đề này đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm từ học sinh, phụ huynh, giáo viên đến giới chuyên gia.

Tại Trường THCS Đoàn Kết, phường Đoàn Kết, tỉnh Lai Châu, em Nguyễn Đình Tùng, học sinh lớp 8, cho biết: "Trường em đã thực hiện quy định cấm sử dụng điện thoại trong khuôn viên từ lâu, nên chuyện không được dùng điện thoại ở trường với chúng em là điều rất bình thường. Từ đầu năm học, nhà trường đã phổ biến kỹ cho học sinh lý do không nên mang điện thoại đến lớp, nên tất cả đều hiểu và chấp hành tốt".

Theo Tùng, trong giờ học, các bạn tập trung nghe giảng, không bị phân tán bởi tin nhắn hay mạng xã hội. Giờ ra chơi, thay vì mỗi người một thiết bị, học sinh chơi cầu lông, đá cầu hoặc trò chuyện trực tiếp. "Vì đã quen với nếp học như vậy nên em thấy không có gì bất tiện cả. Nếu trường nào cũng làm nghiêm như trường em thì học sinh sẽ học tốt hơn và bớt lệ thuộc vào điện thoại", Tùng chia sẻ.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nên hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại đúng cách thay vì cấm tuyệt đối. (Ảnh: Đỗ Vi)

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nên hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại đúng cách thay vì cấm tuyệt đối. (Ảnh: Đỗ Vi)

Về phía phụ huynh, chị Nguyễn Bảo Việt, có con học lớp 5 tại Hà Nội, cho rằng: "Con tôi còn nhỏ nên việc không được dùng điện thoại ở trường là hoàn toàn hợp lý. Ở độ tuổi này, các cháu chưa đủ khả năng kiểm soát hành vi sử dụng thiết bị. Kể cả khi nhà trường không cấm, tôi cũng không cho cháu mang theo".

Theo chị Việt, ở lứa tuổi tiểu học, điều quan trọng không phải là thiết bị công nghệ mà là sự tập trung vào bài giảng, sách vở và tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè. Khi con lớn hơn, việc sử dụng thiết bị có thể linh hoạt hơn, nhưng vẫn cần được đặt trong khuôn khổ rõ ràng do nhà trường định hướng. Phụ huynh như chị luôn sẵn sàng phối hợp nếu nhà trường có hướng dẫn cụ thể, nghiêm túc.

Tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt

Bên cạnh một số trường lựa chọn giải pháp cấm hoàn toàn, không ít cơ sở giáo dục hiện nay đang tiếp cận theo hướng mềm dẻo, kết hợp giữa giới hạn và hướng dẫn sử dụng có kiểm soát. Một ví dụ là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trường Sơn, xã Lương Sơn, tỉnh Phú Thọ. Thầy Chu Bá Trí, Hiệu phó nhà trường cho biết: "Học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học để đảm bảo lớp học nghiêm túc, tránh phân tán tư duy. Tuy nhiên, vào giờ ra chơi, nhà trường vẫn cho phép các em sử dụng điện thoại trong một khoảng thời gian nhất định, với điều kiện đúng mục đích. Thay vì cấm tuyệt đối, nhà trường hướng dẫn học sinh cách sử dụng công nghệ có ý thức như: Tra cứu bài học, học trực tuyến hoặc tham gia hoạt động sáng tạo. Quan trọng nhất là giúp các em hình thành thói quen sử dụng thiết bị công nghệ một cách văn minh, không lệ thuộc".

Từ góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc cấm tuyệt đối chưa hẳn là giải pháp tối ưu. Quan trọng hơn cả là cách sử dụng và định hướng sử dụng. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, trong bối cảnh hiện nay, điện thoại không chỉ là thiết bị liên lạc mà còn là công cụ học tập nếu được khai thác đúng cách.

Ông Minh nhìn nhận: "Tôi cho rằng không nên cấm tuyệt đối, mà cần đặt ra giới hạn phù hợp, định hướng rõ ràng cho học sinh được sử dụng khi nào, ở đâu và vào mục đích gì. Quan trọng nhất là giáo viên phải hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại vào những mục đích tích cực như tra cứu tài liệu, học trực tuyến hay tham gia các hoạt động học tập sáng tạo".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, học sinh ngày nay có nhu cầu sáng tạo cao và khả năng tiếp cận công nghệ rất tốt. Nếu được định hướng đúng, các em hoàn toàn có thể khai thác công nghệ để phục vụ việc học hiệu quả, thay vì bị cuốn vào các nội dung không phù hợp.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/su-dung-dien-thoai-trong-truong-hoc-moi-noi-mot-cach-quan-410434.html
Zalo