Sự chênh lệch số ca sốt xuất huyết ở địa phương
Nhiều địa phương ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết (SXH), nhưng một số nơi khác vẫn 'trắng' ca bệnh. Sự chênh lệch này cho thấy việc chủ động phòng bệnh trong cộng đồng như một 'liều vắc xin' để ngăn chặn nguy cơ bùng phát số ca mắc.

Thay nước, cọ lu diệt lăng quăng.
Phức tạp nhưng có nơi “trắng” ca bệnh
6 tháng đầu năm 2025, địa bàn Bình Thuận cũ ghi nhận gần 670 ca SXH, thì có có 22 ca chuyển nặng và 1 trường hợp tử vong. Cụ thể, 1 học sinh nữ 7 tuổi, xã Hàm Tân (xã Tân Hà cũ) phát bệnh với triệu chứng sốt cao, điều trị tại y tế cơ sở, nhưng không cải thiện. Sau vài ngày, bệnh nhân được đến bệnh viện tuyến trên ở TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù các bác sĩ tích cực điều trị, nhưng bệnh nhân tử vong do sốc SXH nặng, nhiễm trùng huyết. Trung tâm Y tế tiến hành điều tra mật độ lăng quăng, muỗi và thực hiện đồng bộ các giải pháp như diệt lăng quăng, phun hóa chất khu vực có ổ dịch.
Ghi nhận tại Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa Bình Thuận mới đây, 1 bé trai ở phường Mũi Né, 13 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt, mệt. Bác sĩ chẩn đoán mắc SXH. Bé trai cho biết: “Buổi tối, bé theo ba mẹ ra quán nước phụ bán hàng. Khu vực bán quá nhiều muỗi, nên bé bị muỗi đốt mà không có bất cứ sử dụng biện pháp nào”. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, bệnh viện này tiếp nhận, điều trị 109 ca gồm 72 ca SXH, 18 ca có dấu hiệu cảnh báo, 18 ca chuyển nặng; ngoài ra có 8 ca chuyển viện. Số ca mắc chủ yếu trẻ em.
Một số địa phương có số ca mắc, nguy cơ bùng phát số ca bệnh, thì Phòng khám đa khoa khu vực Đông Giang (xã Đông Giang), Phòng khám đa khoa khu vực Hàm Cần (xã Hàm Thạnh) và Trung tâm Y tế Quân Dân Y Đặc khu Phú Quý không ghi nhận bất kỳ ca bệnh nào. Đây là những tín hiệu tích cực, cho thấy vai trò quan trọng của công tác phòng ngừa chủ động tại cơ sở và sự tham gia của cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường sống, diệt lăng quăng và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi.
Chung tay chủ động phòng dịch
Mùa mưa đến là thời điểm muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh SXH trong cộng đồng. Nhằm nâng cao năng lực ứng phó và kiểm soát bệnh tránh bùng phát dịch, các cơ sở y tế được tổ chức tập huấn phòng, chống bệnh SXH. Đồng thời, các địa phương cũng triển khai nhiều hoạt động truyền thông, hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 15” (15/6/2025) để vận động người dân cùng chung tay phòng, chống dịch.
Các bác sĩ Nhi khoa khuyến cáo: Khi trẻ có biểu hiện sốt, phụ huynh đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn điều trị đúng cách. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà bằng các biện pháp như cạo gió, cắt lễ hay truyền dịch. Những cách làm này không giúp cải thiện tình trạng bệnh mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng, chuyển nặng, thậm chí tử vong.
Song song đó, mỗi gia đình thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt trong mùa mưa. Cụ thể, ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, xoa kem xua muỗi để phòng muỗi đốt; đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để ngăn muỗi đẻ trứng; loại bỏ vật dụng phế thải như chai lọ, lốp xe, gáo dừa… và dọn dẹp các hốc nước tự nhiên nơi muỗi có thể sinh sản. Đồng thời, phun hóa chất diệt muỗi.
Phòng, chống bệnh SXH là trách nhiệm của toàn cộng đồng. Mỗi gia đình chủ động phòng bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời để góp phần ngăn dịch bùng phát, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và toàn xã hội.