Sốt xuất huyết vào mùa: Không thể chủ quan
Dù số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước chưa vượt ngưỡng trung bình nhiều năm, nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội… đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng các ổ dịch mới. Bệnh có xu hướng lan rộng theo chu kỳ, diễn biến nhanh và dễ gây biến chứng nếu không được kiểm soát sớm.

Điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM. Ảnh: S.X.
Ổ dịch xuất hiện sớm, nguy cơ lây lan rộng
Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến 8/7/2025, cả nước đã ghi nhận hơn 32.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 5 ca tử vong. Dù số ca bệnh hiện chưa vượt ngưỡng trung bình nhiều năm, song tại một số địa phương, SXH đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng và phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết đã chính thức bước vào mùa mưa.
Tại TPHCM liên tục ghi nhận nhiều trường hợp trẻ mắc SXH nhập viện trong tình trạng sốc nặng, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp. Giới chuyên môn cảnh báo, dịch bệnh SXH đang vào cao điểm phụ huynh cần cảnh giác với những dấu hiệu tưởng chừng đơn giản như sốt cao, đau bụng, ói mửa.
Đơn cử, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố tiếp nhận một trường hợp bé trai T.N.M.K. (12 tuổi, ngụ TPHCM) bị sốc SXH trên cơ địa thừa cân béo phì với cân nặng 83kg. Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhi K. sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4, bệnh nhi bị đau bụng, ói ra dịch lợn cợn nâu, tay chân lạnh nên người nhà đưa đi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán sốc SXH nặng ngày 4, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp nặng trên trẻ thừa cân béo phì. Kết quả sau gần 7 ngày điều trị, bệnh nhi bình phục dần, tỉnh táo, tự thở khí trời, chức năng gan thận trở về bình thường.
PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết: “Qua trường hợp này, các bậc phụ huynh chú ý, bệnh SXH đã bắt đầu vào mùa. Đây là bệnh lý thường gia tăng ca mắc vào mùa mưa; khi tiến triển nặng có thể dẫn đến trụy tim mạch, xuất huyết nặng, suy hô hấp và tử vong. Vì vậy cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời”.
Theo BS Quang, đối với các bệnh nhi bị sốt từ 2 - 3 ngày trở lên, nhất là khi có kèm các dấu hiệu xuất huyết (chảy máu mũi, máu răng, chấm xuất huyết ..), đau bụng, nôn ói nhiều thì phải nghĩ đến bệnh SXH. Phụ huynh cần đưa bệnh nhi đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp.
BSCKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết: “Chúng tôi nhận thấy các trường hợp SXH thường diễn tiến nặng, bất thường, gây khó khăn trong điều trị đối với trẻ cơ địa dư cân béo phì, trẻ nhũ nhi, biểu hiện sốc SXH sớm (vào ngày thứ 3 hoặc 4 của bệnh), tình trạng cô đặc máu nhiều…”. Qua trường hợp trên BS Tiến lưu ý, phụ huynh nên cho trẻ đi khám sớm khi có biểu hiện sốt cao trên 2 ngày để được các bác sĩ thăm khám, xác định bệnh chính xác và có kế hoạch điều trị cụ thể. Đồng thời, phụ huynh cần quan tâm chế độ ăn hợp lý theo lứa tuổi, hạn chế nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ vì việc điều trị SXH ở những trẻ này rất khó khăn, dễ bị biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, thận…
Chu kỳ dịch rút ngắn
Ông Võ Hải Sơn – Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) phân tích, chu kỳ dịch SXH hiện có xu hướng rút ngắn, khoảng 3 - 4 năm lại có một đợt bùng phát lớn. Việt Nam đã trải qua đỉnh dịch gần nhất vào năm 2022 với hơn 370.000 ca mắc, để lại nhiều bài học đau xót về sự chủ quan trong phòng bệnh tại cộng đồng. Năm nay, dù chưa đến đỉnh dịch nhưng sự gia tăng ổ dịch nhỏ tại nhiều khu vực là tín hiệu sớm cần đặc biệt lưu ý.
Một nguyên nhân quan trọng khiến dịch dễ lan rộng, gây nhiều ca bệnh nặng là bởi giai đoạn đầu, triệu chứng SXH rất dễ nhầm với các bệnh nhiễm siêu vi thông thường. Nhiều người bệnh chủ quan tự điều trị tại nhà, không theo dõi dấu hiệu cảnh báo như sốt cao liên tục, buồn nôn, đau hốc mắt, nổi ban xuất huyết dưới da… Khi nhập viện, bệnh đã bước vào giai đoạn nặng, dễ biến chứng suy đa tạng, tràn dịch màng phổi, thậm chí tử vong.
Trong khi đó, yếu tố thời tiết mùa mưa lại tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản và truyền bệnh. Tại TPHCM, cơ quan y tế ghi nhận hơn 1.000 điểm nguy cơ cao về muỗi, trong đó nhiều nơi nằm trong khu dân cư, trường học và khu công nghiệp. Tại Hà Nội, ngành y tế cũng lo ngại những khu vực ven đô chưa được giám sát chặt chẽ có thể trở thành ổ dịch nếu không được xử lý kịp thời. Theo đó, chủ động kiểm soát ổ dịch từ sớm, từ xa, không để dịch lan ra diện rộng, đó không chỉ là yêu cầu chuyên môn mà là trách nhiệm y tế cộng đồng cần thực hiện ngay trong tháng 7 này.
Trách nhiệm không của riêng ai
Trước nguy cơ SXH lan rộng trong mùa mưa năm nay, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ ngay từ ca bệnh đầu tiên. Ngành y tế cũng phối hợp với Bộ GDĐT triển khai các biện pháp phòng bệnh tại trường học, đặc biệt ở các khu vực có chỉ số muỗi và lăng quăng cao.
Tại TPHCM, địa phương đang dẫn đầu cả nước về số ca mắc, ngành y tế đã thiết lập hệ thống giám sát điểm nguy cơ và ứng dụng công nghệ thông tin trong phản ánh dịch bệnh. Ứng dụng “Y tế trực tuyến” được khuyến khích sử dụng để người dân báo cáo các điểm có nguy cơ cao, phản ánh tình trạng ứ đọng nước, ao tù, dụng cụ chứa nước không đậy nắp... Mỗi tuần, thành phố đều tổ chức các chiến dịch ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại hộ gia đình, với sự tham gia của các lực lượng dân quân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên.
Còn tại Hà Nội, Sở Y tế yêu cầu tất cả trung tâm y tế trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương phun hóa chất diện rộng tại các ổ dịch, đồng thời tiến hành điều tra chỉ số côn trùng định kỳ. Song song với đó, truyền thông phòng bệnh cũng được tăng cường, đặc biệt qua hệ thống loa phát thanh, mạng xã hội và các nhóm cộng đồng dân cư.
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo: Nếu chỉ trông chờ vào phun hóa chất hay các biện pháp hành chính, thì hiệu quả phòng bệnh sẽ không bền vững. Muỗi vằn gây bệnh SXH chủ yếu sinh sản ở các dụng cụ chứa nước ngay trong hộ gia đình, từ chậu cây cảnh đến bát nước kê chân tủ, bình hoa, bể chứa nước sinh hoạt không đậy kín… Do đó, hành vi của người dân là yếu tố quyết định.
Ông Võ Hải Sơn khuyến cáo: “Mỗi gia đình cần dành ít nhất 10 phút mỗi tuần để kiểm tra, lật úp các vật dụng có thể chứa nước, thau rửa bể cá, bình hoa, thu gom vật phế thải. Đây là hành động đơn giản nhưng có ý nghĩa then chốt trong cắt đứt chuỗi lây truyền bệnh tại cộng đồng”.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ SXH cần đến cơ sở y tế sớm, không tự ý truyền dịch tại nhà hoặc sử dụng thuốc hạ sốt tùy tiện, những thói quen dễ dẫn đến biến chứng nặng và gây khó khăn cho điều trị. Đồng thời, cần hiểu đúng rằng vaccine phòng SXH chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong chiến lược lâu dài, không thể thay thế các biện pháp kiểm soát véc tơ muỗi truyền bệnh.