Sốt xuất huyết vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Mặc dù so với tháng 10 - tháng cao điểm ghi nhận số người mắc sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, với 74 ca, thì từ tháng 11 trở lại đây, số người mắc sốt xuất huyết đã có xu hướng giảm, song trung bình mỗi tuần vẫn ghi nhận trên dưới 10 ca. Điều đáng nói hơn là một số tỉnh, thành giáp ranh với Thái Nguyên số ca mắc sốt xuất huyết vẫn rất lớn.
Đầu tháng 12, chị Trần Thị Hải (xóm Thái Sơn 2, xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên) thấy người mệt mỏi, sốt, da mẩn đỏ nên đã đến bệnh viện khám và được bác sĩ kết luận là mắc sốt xuất huyết. Trước đó, chị Hải không đi đâu ra ngoài tỉnh, tuy nhiên trên địa bàn xã đã có nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết ở rải rác các xóm.
Chị Hải chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi bị sốt xuất huyết, người mệt mỏi, đầu đau nhức, miệng lúc nào cũng đắng ngắt, đặc biệt là ở ngày thứ 4 và thứ 5. Nhiều ngày liền, tôi chỉ ăn được cháo, đến ngày thứ 7 mới ăn được lưng bát cơm. Cũng may, tôi vào viện và điều trị kịp thời, bệnh không diễn biến nặng nên tôi chỉ phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngay sau khi tôi bị sốt xuất huyết, các thành viên trong gia đình đều có ý thức mắc màn khi đi ngủ, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để hạn chế tối đa nơi trú ẩn và sinh sôi của muỗi vằn.
Bác sĩ Nông Văn Huy, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện A Thái Nguyên, cho biết: Từ đầu năm đến nay, hầu như lúc nào Khoa cũng có bệnh nhân sốt xuất huyết đến điều trị. So với năm ngoái, năm nay số ca đến khám, điều trị tại Khoa tăng hơn. Trong đó, nhiều trường hợp cho theo dõi ở nhà vì chỉ có triệu trứng nhẹ. Những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, không tự chăm sóc bản thân, không có người thân, không tự đến cơ sở y tế được, bệnh nhân tuổi cao, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền… thì bác sĩ của Khoa sẽ tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân vào viện để theo dõi, điều trị nội trú.
Cũng theo bác sĩ Nông Văn Huy: Phần lớn bệnh nhân có thể tự khỏi hoặc chỉ cần uống thuốc hạ sốt sau khoảng 1 tuần, tuy nhiên vẫn có bệnh nhân diễn biến nặng như tràn dịch màng bụng, màng phổi… Số ít trường hợp giảm tiểu cầu, được Khoa chỉ định truyền tiểu cầu. Một số trường hợp nặng, bệnh nhân nhỏ tuổi, do chưa có nhiều kinh nghiệm điều trị nên đã phải chuyển tuyến về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Thời gian trung bình điều trị cho các bệnh nhân sốt xuất huyết là từ 7-10 ngày.
Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại, tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Phổ biến nhất tại Việt Nam là tuýp 1 và tuýp 2. Trong đó, chủng huyết thanh DEN-2 có độc lực cao nhất, người bệnh nếu không được điều trị kịp thời, có thể bị sốc sốt xuất huyết và tổn thương tạng. Các chủng này tuy có huyết thanh tương tự nhau nhưng khác nhau về kháng nguyên.
Do đó, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Bởi sau khi nhiễm một chủng virus và hồi phục, người bệnh chỉ được miễn dịch suốt đời với chủng đã mắc, còn với loại vi-rút khác thì không. Thậm chí lần mắc sau có thể còn nặng hơn lần trước do ảnh hưởng của phức hợp miễn dịch chéo.
Chính vì thế, việc phòng chống dịch bệnh này cần được người dân và các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm. Hiện đã có vắc-xin sốt xuất huyết được nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh triển khai, với 2 mũi tiêm cách nhau 3 tháng, có thể phòng cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết, hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%. Với phụ nữ trước khi muốn mang thai, nên hoàn thành lịch tiêm tốt nhất trước 3 tháng hoặc ít nhất 1 tháng trước khi mang thai.
Tuy nhiên, trong khi nhiều người còn chưa biết đến loại vắc-xin này, hoặc chưa có điều kiện để tiêm vắc-xin do chi phí tiêm mỗi mũi hơn 1 triệu đồng, thì biện pháp phòng tránh tốt nhất là giữ gìn môi trường sống luôn sạch sẽ. Các gia đình cần lật úp tất cả các vật dụng đọng nước trong nhiều ngày; triệt tiêu các địa điểm bọ gậy, muỗi có thể phát triển. Các khu dân cư cần định kỳ tổ chức ra quân phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tính từ đầu năm đến ngày 10-12, toàn tỉnh có 171 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó tăng mạnh từ tháng 10 trở lại đây, với gần 140 ca mắc. Những địa phương có nhiều ca mắc gồm: TP. Thái Nguyên 51 trường hợp, huyện Đại Từ 42 trường hợp, TP. Phổ Yên 30 trường hợp. Các huyện, thành còn lại có từ 2 đến trên 10 ca/địa phương.