Sốt xuất huyết tăng nhanh, nhiều trẻ em nhập viện
Chỉ trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 645 ca mắc sốt xuất huyết, tăng khoảng 60% so với trung bình 4 tuần trước đó.
Diễn biến dịch đang có xu hướng gia tăng nhanh và đáng lo ngại. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 6/2025, thành phố đã có tổng cộng 10.262 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm 2024.
Không chỉ số ca mắc mới tăng mạnh, số ca bệnh nặng cũng vượt xa mức trung bình nhiều năm, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch diện rộng.

Ảnh minh họa.
Tại các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM, số ca sốc sốt xuất huyết nặng đang gia tăng đáng báo động. Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết số ca bị sốc đã gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, gần như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhi sốc mới. Ông cho rằng, mỗi ca sốc là “phần nổi của tảng băng chìm”, cho thấy dịch bệnh có thể đang âm thầm lan rộng hơn nhiều trong cộng đồng.
Tình trạng nặng cũng được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nơi nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc nặng kèm xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, suy gan và suy hô hấp.
Một bé gái 5 tuổi phải thở máy, truyền dịch và truyền máu trong 10 ngày mới hồi phục. Trường hợp khác là một bé trai 4 tuổi được điều trị suốt 3 tuần tại Bệnh viện Nhi đồng 2 do tổn thương gan, tim, thận, với các chỉ số sinh hóa tăng gấp nhiều lần bình thường – biểu hiện mức độ nguy kịch rất cao.
Theo các bác sỹ, sốc sốt xuất huyết thường xảy ra trong giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, thời điểm người bệnh bắt đầu hạ sốt dễ khiến gia đình chủ quan vì tưởng là đã khỏi. Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm gồm tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã, mệt lả. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể rơi vào suy đa cơ quan và tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế TP.HCM đã phát động chiến dịch cao điểm phòng chống sốt xuất huyết, yêu cầu các cơ sở y tế rà soát quy trình sàng lọc, phân loại, cấp cứu và điều trị kịp thời. Đồng thời, đảm bảo cung ứng đầy đủ dịch truyền, máu, thuốc men và hóa chất phòng dịch. Công tác tập huấn về nhận diện sớm các dấu hiệu cảnh báo và xử trí ca bệnh nặng cũng đang được triển khai rộng khắp.
Hiện nay, Việt Nam đã có vaccine phòng sốt xuất huyết Qdenga, dành cho người từ 4 tuổi trở lên. Vaccine này có hiệu quả bảo vệ hơn 80% và giúp giảm nguy cơ nhập viện đến 90%. Các chuyên gia khuyến cáo người dân, kể cả những người từng mắc bệnh, nên tiêm vaccine để phòng ngừa tái nhiễm và giảm thiểu nguy cơ diễn tiến nặng.
Các chuyên gia nhấn mạnh, một ca sốt xuất huyết Dengue nặng không chỉ đe dọa tính mạng người bệnh mà còn tiêu tốn rất nhiều nhân lực, chi phí điều trị. TS.Nguyễn Huy Luân, Trưởng đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay, có ca bệnh sốt xuất huyết nằm điều trị vài tháng, phải điều trị đến gần cả tỷ đồng.
Theo PGS-TS.Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, chỉ cần một vài ca sốt xuất huyết nặng cũng đủ khiến cả một hệ thống y tế căng thẳng. Có những đêm cao điểm, đơn vị cấp cứu phải tiếp nhận liên tục 30 ca nặng.
Đối với người bệnh sốt xuất huyết điều trị ngoại trú, Bộ Y tế khuyến cáo phải theo dõi, tái khám. Người bệnh cần theo dõi chặt chẽ và nhập viện kịp thời nhằm phát hiện sớm biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là các trường hợp dư cân, béo phì, người trên 60 tuổi, mắc bệnh mạn tính...
Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm hiếm hoi mà dù khoa học đã hiểu khá rõ về vi-rút, véc-tơ truyền bệnh, phương pháp chẩn đoán và điều trị, nhưng bệnh vẫn ngày càng lan rộng, phức tạp và trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue hiệu quả, các chuyên gia nhấn mạnh sự cấp thiết của một chiến lược toàn diện, bao gồm các biện pháp kiểm soát véc-tơ để tiêu diệt muỗi Aedes, tăng cường giáo dục cộng đồng và quản lý môi trường. Trong đó, tiêm chủng được xem là một công cụ quan trọng để chủ động giảm tỷ lệ nhập viện và giảm thiểu tử vong do bệnh gây ra.
Ths.Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khẳng định, không thể đợi có dịch mới dự phòng, đồng thời kêu gọi truyền thông rõ ràng về các biện pháp tích hợp, từ kiểm soát muỗi quanh năm đến chủ động tiêm phòng, để mỗi người dân trở thành một mắt xích trong nỗ lực phòng, chống bệnh.
Còn theo bác sỹ Bạch Thị Chính, hiện công tác tại Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC), cảnh báo rằng người từng mắc sốt xuất huyết vẫn có nguy cơ bị sốc nặng nếu tái nhiễm với chủng virus Dengue khác.
Virus Dengue có 4 type huyết thanh (DEN-1 đến DEN-4), và khi tái nhiễm với một type khác, nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn sẽ tăng lên do cơ chế tăng cường phụ thuộc kháng thể (ADE).