Sống 'phông bạt' ảnh hưởng tiêu cực đến người trẻ nếu không nhận diện và điều chỉnh kịp thời
Lối sống phông bạt ảnh hướng sâu sắc đến tâm lý với sự phát triển bản thân của người trẻ nếu không nhận diện và điều chỉnh kịp thời.
Phông bạt - xu hướng phổ biến trong giới trẻ
“Lối sống phông bạt” là từ khóa chỉ lối sống mang tính hình thức, phô trương bằng việc tạo dựng vẻ bề ngoài hào nhoáng, gây ấn tượng với người khác qua việc khoe khoang vật chất, thành tựu, hoặc mối quan hệ, nhưng thực tế lại không đạt được những giá trị thực sự đó.
Bốn đặc điểm của lối sống phông bạt gồm phô trương vật chất, sống ảo trên mạng xã hội, chạy theo vẻ bề ngoài, thiếu chiều sâu. Lối sống này dường như đang trở thành một xu hướng phổ biến trong giới trẻ. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thứ nhất, tác động của mạng xã hội, nhiều người trẻ cảm thấy cần xuất hiện với hình ảnh hoàn hảo, lối sống hào nháng để thu hút.
Thứ hai, áp lực từ bạn bè cùng trang lứa, áp lực thành công của người khác dẫn đến người trẻ so sánh mình với bạn bè hay người nổi tiếng, từ đó áp lực phải hơn người khác.
Thứ ba, tâm lý muốn khẳng định bản thân của người trẻ để người khác tôn trọng và công nhận hoặc ngưỡng mộ, không muốn bị bỏ lại phía sau. Thứ tư, thiếu định hướng những giá trị sống thật chất dẫn đến người trẻ quá tập trung vào vẻ bề ngoài. Mong muốn thành công nhanh khiến nhiều người trẻ nhầm lẫn giữa hình ảnh cá nhân và giá trị thật.
Có nhiều yếu tố trong xã hội hiện nay ảnh hưởng đến lối sống phông bạt của ở giới trẻ. Đó là, mạng xã hội góp phần xây dựng nên văn hóa sống ảo của giới trẻ với các công cụ chỉnh sửa hình ảnh, video để tô vẽ bản thân hay tràn ngập những hình ảnh khoe khoang, thể hiện lối sống xa hoa, sang chảnh dẫn tới áp lực của người trẻ.
Hai là, tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế khiến người trẻ đầu tư vào ngoại hình để được công nhận. Ba là, sự lên ngôi của chủ nghĩa tiêu dùng và văn hóa vật chất với những món hàng hiệu hay thiết bị công nghệ đắt tiền được giới trẻ đua nhau sở hữu nhằm thể hiện bất chấp việc chi tiêu quá mức hoặc sử dụng các công cụ tài chính (trả góp, thẻ tín dụng).
Bốn là, áp lực xã hội từ sự thành công được tô vẻ với những hình ảnh xa hoa, nhà cửa, xe cộ, quần áo, khiến giới trẻ cảm thấy cần phải "diễn" để đạt được sự công nhận. Năm là, tác động từ truyền thông và người nổi tiếng có lối sống xa hoa khiến người trẻ coi đó là tiêu chuẩn cần đạt được. Sáu là, áp lực từ gia đình kỳ vọng con cái phải thành công, giàu có, bằng bạn bằng bè nhưng thiếu định hướng dẫn đến người trẻ lạc lối trên hành trình khẳng định bản thân.
Từ thực tế, có thể nói, lối sống phông bạt ảnh hướng sâu sắc đến tâm lý với sự phát triển bản thân của người trẻ nếu không nhận diện và điều chỉnh kịp thời. Lòng tự trọng sẽ bị giảm sút khi đối diện với con người thật của chính mình cùng các câu hỏi “liệu bản thân có đủ tốt”.
Thay vì đầu tư phát triển bản thân, nâng cao năng lực cạnh tranh thì họ tập trung “đếm” từng like, commen, view hay lời khen từ người khác. Những tự tin “ảo” được hình thành dưới vỏ bọc không thật. Điều này khiến họ lo sợ sẽ bị “bóc trần”. Lâu dài dẫn đến căng thẳng, lo âu, sợ bị đánh giá hoặc không đủ đẳng cấp.
Khi nhận ra lối sống này không mang lại hạnh phúc thực sự, người trẻ có thể cảm thấy trống rỗng, mất phương hướng hoặc rơi vào trầm cảm. Một số người còn cảm thấy cô lập vì mối quan hệ của họ chỉ dựa trên bề ngoài, thiếu sự chân thành.
Để người trẻ tìm lại sự cân bằng trong thể hiện bản thân
Câu hỏi được đặt ra, làm thế nào để người trẻ có thể nhận thức rõ hơn về tác hại của lối sống phông bạt và tìm lại sự cân bằng trong việc thể hiện bản thân? Theo tôi, các bên liên quan cần có đa dạng chiến lược tiếp cận người trẻ, giúp họ nâng cao nhận thức về lối sống phông bạt và xây dựng hành trình phát triển bản thân trong thời đại số.
Cha mẹ, thầy cô luôn là hình mẫu cho lối sống chân thành và không chạy theo hình thức. Những ghi nhận nỗ lực thực chất của bạn trẻ trong môi trường gia đình cần được khuyến khích thực hiện liên tục, thường xuyên. Những cuộc trao đổi rõ ràng, định hướng phát triển năng lực cho người trẻ là điều cần thiết nên được phụ huynh quan tâm.
Các buổi tập huấn kỹ năng sống, nâng cao giá trị sống có thể được nhà trường tổ chức lồng ghép trong chương trình học. Các trường hợp, case study về lối sống không thực chất và ảnh hưởng của nó nên được thảo luận, phản biện trong từng tiết học.
Điều đó giúp các bạn trẻ ý thức về mặt trái của lối sống phông bạt, làm màu. Họ có thể tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm theo sở thích để trau dồi thêm kỹ năng, phát triển mối quan hệ lành mạnh. Cộng đồng cùng nhau tạo nên những chiến dịch như "ngày không mạng xã hội" hoặc "thử thách sống thật trong 30 ngày" để hạn chế sử dụng mạng xã hội cũng như thúc đẩy lối sống thật, kết nối thật.
Truyền thông thực sự có vai trò lớn trong việc định hình lối sống của giới trẻ và làm sao để truyền thông có thể tác động trong việc xây dựng lối sống tích cực, lành mạnh cho giới trẻ là điều quan trọng. Trong khi đó, mạng xã hội tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến suy nghĩ, hành vi và lối sống của giới trẻ.
Truyền thông là nguồn thông tin chính giúp giới trẻ tiếp cận kiến thức, kỹ năng sống và các giá trị văn hóa, đạo đức. Nhiều chiến dịch truyền thông mang thông điệp tích cực như bảo vệ môi trường, sống khỏe mạnh, chống bạo lực học đường, phòng chống ma túy… đã giúp nâng cao ý thức cộng đồng.
Các câu chuyện thành công thực tế, tấm gương vượt khó, chương trình thực tế phát triển kiến thức, rèn luyện kỹ năng có thể tạo động lực cho giới trẻ. Tuy nhiên, những hình ảnh, video không đúng sự thật được lan truyền một cách chóng mặt, thiếu kiểm duyệt tác động đến người trẻ. Quảng cáo tràn lan trên các nền tảng truyền thông thúc đẩy lối sống tiêu dùng, khiến giới trẻ bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm để chứng tỏ bản thân. Mạng xã hội thường ưu tiên nội dung hào nhoáng, gây chú ý, dẫn đến việc định hình lối sống phô trương hoặc giá trị vật chất.
Truyền thông có thể trở thành công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy lối sống tích cực của người trẻ thông qua các chiến dịch ý nghĩa, chia sẻ những hình ảnh người thành công vươn lên từ nỗ lực. Truyền thông có thể hợp tác với những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng đến giới trẻ để lan tỏa thông điệp tích cực, chia sẻ trải nghiệm thật thay vì phô trương; ủng hộ lối sống đơn giản, tập trung vào giá trị bền vững thay vì chạy theo xu hướng tiêu dùng.
Các công ty công nghệ cần cam kết phát triển thuật toán đề xuất nội dung tích cực, giáo dục, thay vì chỉ ưu tiên nội dung câu view, giật gân. Các nền tảng truyền thông nên kiểm duyệt nội dung không phù hợp, gây áp lực cho giới trẻ, hoặc quảng bá lối sống sai lệch. Đặc biệt, người trẻ cần lên tiếng trước những thông tin sai lệch.
Gia đình và nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, giá trị và lối sống của thế hệ trẻ. Phụ huynh, giáo viên hãy làm gương để người trẻ học theo thông qua cách suy nghĩ đến lời nói, hành động cần nhất quán, chân thành.
Phụ huynh và giáo viên cần trở thành người bạn đồng hành để người trẻ cảm thấy an tâm chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc mà không sợ bị phán xét; khuyến khích trẻ phát triển bản thân dựa trên sở thích và cá tính riêng. Đồng thời, hướng dẫn trẻ nhận biết sự khác biệt giữa hình ảnh thực tế và hình ảnh được chỉnh sửa, quảng cáo trên mạng xã hội.
Đồng hành với trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, câu lạc bộ, hoặc dự án cộng đồng nhằm giảm phụ thuộc vào thế giới ảo. Sự quan tâm, hỗ trợ đúng cách sẽ giúp trẻ xây dựng được lối sống tự nhiên, chân thật, và có được nền tảng vững chắc để đối mặt với mọi thách thức trong cuộc sống.