Sóng nhiệt kỷ lục gây xáo trộn nghiêm trọng tại châu Âu

Châu Âu đang trải qua một đợt nắng nóng khắc nghiệt, mà các nhà khí tượng học mô tả là 'bất thường' vì đến sớm, gây ra những xáo trộn nghiêm trọng trên diện rộng.

Theo cơ quan khí tượng Meteo France, nhiệt độ tại Pháp đạt đỉnh trong ngày 1/7, với một số khu vực có thể vượt quá 40 độ C. Đây là lần đầu tiên Paris phát báo động đỏ về nắng nóng trong vòng 5 năm qua. Ảnh: AA/TTXVN

Theo cơ quan khí tượng Meteo France, nhiệt độ tại Pháp đạt đỉnh trong ngày 1/7, với một số khu vực có thể vượt quá 40 độ C. Đây là lần đầu tiên Paris phát báo động đỏ về nắng nóng trong vòng 5 năm qua. Ảnh: AA/TTXVN

Ngày 1/7, nhiều quốc gia đã phải đưa ra các biện pháp ứng phó khẩn cấp chẳng hạn như Italy (I-ta-li-a) hạn chế làm việc ngoài trời, Pháp đóng cửa hàng nghìn trường học, và Thổ Nhĩ Kỳ vật lộn với cháy rừng lan rộng.

Nhiệt độ đã vượt ngưỡng 40 độ C (104°F) ở nhiều thành phố của Tây Ban Nha và tại thành phố Trento của Italy. Tây Ban Nha xác nhận đã trải qua tháng Sáu nóng nhất trong lịch sử. Ngay cả các thành phố phía Bắc châu Âu như London cũng đang trong tình trạng oi bức ngột ngạt.

Bộ Y tế Italy ban hành cảnh báo đỏ – cấp độ cao nhất – về nắng nóng đối với 21 thành phố. Tại Venice, nhiệt độ thực tế có thể lên tới 36 độ C do độ ẩm cao, trong khi ở Florence, nhiệt độ dự kiến đạt 37 độ C trong ngày 28/6. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Italy ban hành cảnh báo đỏ – cấp độ cao nhất – về nắng nóng đối với 21 thành phố. Tại Venice, nhiệt độ thực tế có thể lên tới 36 độ C do độ ẩm cao, trong khi ở Florence, nhiệt độ dự kiến đạt 37 độ C trong ngày 28/6. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Italy, chính quyền đã cấm làm việc ngoài trời tại một số khu vực trong những giờ nắng nóng đỉnh điểm và ban hành cảnh báo đỏ cho 17 thành phố, bao gồm cả các trung tâm kinh tế Milan và Rome. Công đoàn cho rằng cái chết của một công nhân xây dựng gần Bologna hôm 30/6 là do nắng nóng. Tình trạng mất điện, có thể do nhu cầu sử dụng điều hòa tăng đột biến, đã được ghi nhận ở trung tâm Florence và thành phố phía Bắc Bergamo.
Tại Pháp, gần 1.900 trường học đã phải đóng cửa. Nắng nóng cũng làm gia tăng nguy cơ cháy đồng khi nông dân tại Pháp, nước sản xuất ngũ cốc lớn nhất Liên minh châu Âu, bắt đầu vụ thu hoạch. Nhiều người đã phải làm việc vào ban đêm để tránh nhiệt độ đỉnh điểm vào ban ngày.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu hỏa vẫn đang chiến đấu với các đám cháy rừng đã buộc khoảng 50.000 người phải sơ tán tạm thời hôm 30/6 tại các khu vực quanh thành phố Izmir và tỉnh Manisa.

Tại Tây Ban Nha, giới chức đang điều tra liệu cái chết của một công nhân vệ sinh đường phố ở Barcelona vào cuối tuần có liên quan đến nắng nóng hay không. Hội Chữ thập đỏ đã phải thiết lập một "nơi trú ẩn khí hậu" có điều hòa nhiệt độ cho người dân ở Malaga, miền nam nước này.
Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU, châu Âu đang nóng lên với tốc độ nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu.
Hàng loạt số liệu kỷ lục đã được ghi nhận như nhiệt độ trung bình ở Tây Ban Nha trong tháng 6/2025 là 23,6 độ C. Nước Anh đã trải qua tháng Sáu nóng nhất kể từ ít nhất là năm 1884.
Nhiệt độ Địa Trung Hải ngoài khơi Tây Ban Nha đã đạt mức kỷ lục 30 độ C, cao hơn 6 độ so với mức trung bình theo mùa. Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng "vòm nhiệt" đang giữ không khí nóng lại trên châu Âu.
Nắng nóng cũng gây ra các vấn đề nghiêm trọng về hạ tầng và du lịch. Dịch vụ tàu hỏa nối Paris (Pháp) và Milan (Italy) đã bị gián đoạn do sạt lở đất ở sườn núi Alps phía Pháp, dự kiến phải đến giữa tháng 7/2025 mới có thể phục hồi hoàn toàn.
Tại Paris, tầng cao nhất của tháp Eiffel đã phải đóng cửa do kim loại giãn nở vì nhiệt, gây thất vọng cho hàng loạt du khách, trong đó có những người đã đặt vé từ ba năm trước.

Minh Hằng/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/song-nhiet-ky-luc-gay-xao-tron-nghiem-trong-tai-chau-au/379063.html
Zalo