Sống đẹp bằng hành động

Giữa làng nghề bánh chưng Bờ Đậu ở Thái Nguyên, có một người lính già đã gắn bó gần cả đời với hương thơm lá dong, gạo nếp và nghĩa tình đồng đội. Đó là ông Nguyễn Hải Âu, thương binh hạng 1/4, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Giám đốc Công ty TNHH Hảo Âu. Dẫu mang trên mình thương tật nặng, ông vẫn vươn lên làm kinh tế giỏi, cống hiến không ngừng nghỉ cho cộng đồng và sống như lời dạy của Bác Hồ: 'Thương binh tàn nhưng không phế'.

Ông Nguyễn Hải Âu và vợ.

Ông Nguyễn Hải Âu và vợ.

Ước mơ khoác áo blouse trắng dang dở

Ông Nguyễn Hải Âu sinh năm 1952 tại xã Vô Tranh (trước kia là xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương). Năm 1970, cậu thanh niên 18 tuổi rạng ngời đỗ vào Trường Y khoa Việt Bắc (Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên bây giờ), ấp ủ ước mơ trở thành thầy thuốc cứu người.

Nhưng chiến tranh khốc liệt đã làm đổi hướng cuộc đời cậu thanh niên ấy. Năm 1971, gác lại giấc mơ làm thầy thuốc, cậu thanh niên Nguyễn Hải Âu khoác lên mình màu áo lính, lên đường vào chiến trường Tây Nguyên.

Trong suốt 5 năm quân ngũ, ông chiến đấu tại nhiều mặt trận ác liệt ở Gia Lai, Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột. Năm 1975, khi tham gia trận chiến ở thị xã Buôn Mê Thuột, ông bị bom định hướng làm dập nát cả 2 chân. Cùng với vết thương nặng, bác sĩ còn thông báo ông nhiễm chất độc da cam/dioxin.

"Hồi đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là bị thương thôi. Về sau, khi sức khỏe yếu dần, con cái sinh ra có vấn đề, tôi mới hiểu mình mang trong người độc tố khủng khiếp như thế nào", - ông Âu nhớ lại.

Trở về quê năm 1976, với thương tật 1/4 ông bắt đầu bước vào mặt trận mới - làm kinh tế. Ông làm đủ thứ việc, từ làm ruộng, kéo xe bò thuê... đến buôn bán nhỏ lẻ để cùng vợ nuôi gia đình.

Bước ngoặt đến vào năm 2000, khi ông nhận ra tiềm năng phát triển của làng nghề bánh chưng Bờ Đậu. Với tính cách vui vẻ, rộng rãi, am hiểu về thị trường, ông đã thành công trong việc vận động bà con cùng xây dựng thương hiệu, được bầu làm Trưởng ban Làng nghề. Năm 2005, cùng sáng lập Hợp tác xã và năm 2013, ông thành lập Công ty TNHH Hảo Âu.

"Ai cũng nói ông Âu điên, sức khỏe yếu mà đòi làm to. Nhưng tôi nghĩ, thương binh không làm được việc nặng thì phải làm việc khác. Bánh chưng là của quý tổ tiên để lại, phải giữ gìn và phát huy", - ông tâm sự.

Đưa hương vị truyền thống bay xa

Hiện tại, Công ty TNHH Hảo Âu có 12 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động, với mức thu nhập 300.000 đồng/người/ngày. Sản phẩm bánh chưng Hảo Âu tiêu thụ rộng rãi trong cả nước. Từ năm 2013 đến nay, nhờ mở rộng thị trường, mỗi năm ông tích lũy trung bình được khoảng 100 triệu đồng từ nghề làm bánh chưng.

Bí quyết của bánh chưng Hảo Âu nằm ở sự tỉ mỉ trong lựa chọn nguyên liệu. Gạo nếp Định Hóa, thịt ba chỉ vùng cao, lá dong rừng. Đặc biệt, nước luộc bánh chưng là nước giếng chân núi Cấm - nơi được cho là tạo nên hương vị đặc biệt của bánh chưng Bờ Đậu.

Điều khiến ông Âu được người dân kính trọng không chỉ là tài kinh doanh, mà là tấm lòng nhân ái, luôn hướng về những số phận khó khăn. Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, ông đã hỗ trợ 22 lượt hộ nghèo bằng việc tặng gạo hằng tháng thông qua Hội Chữ thập đỏ.

Mỗi năm, ông cũng để dành ra 50 triệu đồng làm từ thiện. Ông còn dành riêng một héc-ta đất trồng keo gọi là “vườn cây tình nghĩa”, mỗi năm thu khoảng 2 triệu đồng để đóng góp cho quỹ hỗ trợ nạn nhân da cam…

Ông Nguyễn Hải Âu.

Ông Nguyễn Hải Âu.

Không chỉ hỗ trợ vật chất, ông còn là người truyền cảm hứng, giúp những người từng lầm lỡ tìm lại cuộc đời. Câu chuyện của anh Nguyễn Anh Tuấn, người từng đi tù và được ông nhận vào làm tại Công ty, là minh chứng sống động cho điều đó.

“Nếu không có ông Âu, chắc tôi chẳng có được ngày hôm nay. Ông không chỉ cho tôi công việc, mà còn cho tôi niềm tin để làm lại cuộc đời. Bây giờ tôi có gia đình, có ngôi nhà nhỏ, mua được xe ô tô và có nghề làm bánh gắn bó cả đời” - anh Tuấn xúc động chia sẻ.

Với ông, học Bác không phải là lời nói cao xa, mà là hành động cụ thể trong từng việc làm thường ngày. Ông từng được vinh danh là Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác, được Chủ tịch nước trao Kỷ niệm chương Doanh nhân tiêu biểu tại Phủ Chủ tịch năm 2015.

Ở tuổi 73, dù sức khỏe đã yếu hơn trước, song ông vẫn ngày ngày lăn lộn cùng thợ bánh, vẫn cương nghị, vui vẻ và hào sảng - như chất lính không bao giờ mất. Câu chuyện cuộc đời ông, cũng như chiếc bánh chưng quê nhà, dẻo dai, bền bỉ, vuông vắn mà nghĩa tình.

“Tôi nghĩ đơn giản, mình còn sống, còn lao động được thì phải sống cho tử tế. Làm theo Bác không phải cái gì to tát, mà từ việc gói cái bánh cho thật ngon, giữ chữ tín với khách hàng, rồi giúp được ai thì giúp… Mỗi tháng trích vài chục cân gạo, vài cái bánh, một ít tiền, với tôi cũng là niềm vui” - ông Âu chia sẻ với nụ cười giản dị nhưng ấm áp.

Từ cậu học trò mang ước mơ blouse trắng đến người lính trở về quê hương với đôi chân không lành lặn, rồi trở thành doanh nhân - ông Nguyễn Hải Âu đã sống trọn vẹn theo lời Bác dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế". Và trong hương vị của từng chiếc bánh chưng, trong tiếng cười của những người lao động và niềm vui của những hộ nghèo được giúp đỡ, câu chuyện về tấm lòng nhân ái của ông vẫn tiếp tục được viết nên mỗi ngày.

Thu Hà

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/net-dep-doi-thuong/202507/song-dep-bang-hanh-dong-8b30f12/
Zalo