Somerset Maugham, Tôn Dật Tiên và 'cuộc gặp' tại Mã Lai
Trong tiểu thuyết 'Ngôi nhà muôn cánh cửa', bằng sự kết hợp đặc biệt giữa sự thật lịch sử và trí tưởng tượng phong phú, nhà văn Malaysia Tan Twan Eng đã bàn về nhiều chủ đề, từ cá nhân như định kiến giới, hôn nhân, bê bối... đến phổ quát như quyền lực, chủ nghĩa thực dân và xung đột văn hóa.
Là tiểu thuyết gia nắm giữ kỷ lục có tất cả tác phẩm từng được đề cử ở giải Booker danh giá, Tan Twan Eng là nhà văn Malaysia nổi tiếng bậc nhất tại quốc gia Đông Nam Á này cũng như trên văn đàn quốc tế.
Đến nay, ông đã ra mắt 3 tác phẩm, gồm The Gift of Rain (2007), The Garden of Evening Mist (2011) và Ngôi nhà muôn cánh cửa (2023). Những cuốn sách này đều lấy bối cảnh Malaysia thời thuộc địa, ít nhiều có dấu ấn lịch sử. Tác phẩm gần nhất đã được tờ Washington Post và The Financial Times bình chọn là một trong những tác phẩm hư cấu đáng chú ý nhất năm 2023.

Nhà văn Malaysia Tan Twan Eng. Ảnh: Wikibeng
Hai bờ hư – thực
Có cấu trúc đan cài, cuốn sách gồm hai mạch truyện được viết xen kẽ cách nhau 10 năm. Một từ nhà văn William Somerset Maugham khi ông trên đường đến nghỉ dưỡng và tìm cảm hứng tại Khu định cư Eo biển Penang, Mã Lai vào năm 1921 cùng người trợ lý Gerald Haxton. Tại đây, ông đã ngụ lại tại nhà của vợ chồng Hamlyn – bạn thân của mình – và chia sẻ những câu chuyện phức tạp với người vợ Lesley.
Nhận thấy ở Maugham một cảm xúc đặc biệt, Lesley đã chia sẻ những “bí mật” bản thân giấu kín về mối quan hệ với nhà cách mạng Tôn Dật Tiên, về vụ án gây rúng động Penang một thập niên trước có liên quan đến cô bạn thân Ethel Proudlock cũng như chồng mình – Robert. Từ hai cá thể chôn giấu trong mình những nỗi niềm riêng, họ đã đồng cảm và an ủi nhau một cách đặc biệt.
Tan Twan Eng cho biết cảm hứng của cuốn sách đến từ tuổi thơ, khi ngay từ nhỏ cha đã kể ông nghe về việc Tôn Dật Tiên đã lập căn cứ cách mạng và hoạt động bí mật không xa ngôi nhà của mình là mấy. Khi lớn lên, lúc đọc truyện ngắn Lá thư nổi tiếng của Somerset Maugham có đề cập đến vụ Proudlock, ông đã liên kết cả 3 yếu tố lại và nhen nhóm nên cuốn tiểu thuyết.
Cũng vì điều này mà tác phẩm thứ ba cho thấy sự nâng tầm về cấu trúc và độ phức tạp trong văn chương của Tan Twan Eng, khi quyện hòa giữa các sự kiện có thật và yếu tố hư cấu. Theo đó câu chuyện Tôn Dật Tiên hay Somerset Maugham đến Mã Lai là hoàn toàn có thật, trong khi vụ án của Ethel cũng là một sự thật khác nhưng không cùng thời gian, vì vậy điểm khó là ông phải tìm ra cách kết nối chúng lại và “cây cầu” ấy là sự xuất hiện của nhà Hamlyn.

Tôn Dật Tiên có thời gian hoạt động tại Penang. Trong ảnh là bảo tàng Tôn Dật Tiên tại nơi này. Ảnh: South China Morning Post
Không chỉ là một tiểu thuyết đơn thuần, Ngôi nhà muôn cánh cửa cụ thể hơn còn là một tiểu thuyết lịch sử, do đó nhà văn người Malaysia này đã phải tra cứu lượng lớn tài liệu. Trong cuốn sách, những nhân vật có thật hiện lên một cách sinh động và đầy phức tạp. Đây có thể nói là thành công lớn nhất của tác giả để vừa đảm bảo tính chính xác của sự thật khách quan nhưng cũng đồng thời biến những gì được ghi chép lại trở nên sống động.
Ở đó ta thấy một Somerset Maugham trung niên chênh vênh khi phải đối mặt với tương lai phá sản do đầu tư tài chính thua lỗ, với tình yêu sắp sửa vỗ cánh bay đi cũng như sự nghiệp đến hồi bế tắc. Chính những cảm xúc dồn nén, u uất... đã họa nên một nhà văn danh tiếng ở một giai đoạn ít người biết đến. Tan Twan Eng cũng nghiên cứu rất kỹ để thêm vào đó chứng nói lắp lẫn dáng đi chậm chạp quen thuộc của nhà văn này.

Somerset Maugham cũng là một trong những nhân vật chủ chốt của tiểu thuyết. Ảnh: South China Morning Post
Sự kiện về Ethel cũng tương tự thế. Bằng việc tìm kiếm các hồ sơ tòa án ở Singapore cùng chuyên môn luật sư, tác giả đã chắp nối và kể lại vụ án mạng đặc biệt này. Theo đó vào năm 1911, Ethel đã bị buộc tội giết chết một người da trắng và phải đối mặt với án treo cổ. Câu chuyện này một mặt cho thấy quá trình nghiên cứu nghiêm túc của nhà văn người Malaysia nhưng cũng đồng thời là điểm thu hút của chính tác phẩm.
Cụ thể, Tan Twan Eng đã rất thông minh dẫn dắt chi tiết này. Ông đã tung ra một mạng lưới chằng chịt các mối quan hệ, dẫn độc giả vào các dự đoán đa dạng về động cơ của nó, từ đó tạo ra bất ngờ chính bằng bí ẩn sau cùng. Với cấu trúc truyện lồng trong truyện, chính sự kỳ bí và đánh lừa của mạch truyện phá án đã khiến cuốn sách hấp dẫn đến trang cuối cùng.
Chủng tộc và định kiến giới
Và câu chuyện của Ethel không chỉ là một “gia vị” để cốt truyện thu hút, mà còn cho thấy sự đối lập về mặt văn hóa ở giai đoạn này. Vì là người da trắng sát hại người cùng chủng tộc dẫn đến phải van xin Quốc vương Mã Lai xóa án cho mình, Ethel đã khiến những người Âu châu cư ngụ tại Penang cảm thấy xấu hổ cũng như tức giận.

Bức ảnh chụp William Proudlock và người có khả năng là Ethel - vợ ông, người gây ra vụ án chấn động Penang. Ảnh: Victoria Institution
Họ cho rằng cô đã làm nhục cộng đồng khi để cho một người bản xứ quyết định vận mệnh của bản thân nói riêng và rộng hơn là của tất cả bọn họ nói chung – những người tin mình vượt trội hơn cư dân bản địa. Qua câu chuyện này, Tan Twan Eng cho ta thấy di sản thuộc địa và những xung đột Đông – Tây ở thời đoạn đó. Điều này cũng xuất hiện lẻ tẻ ở nhiều chi tiết, khi người da trắng đánh giá ẩm thực, trang phục... của chính vùng đất họ đang hiện diện.
Không chỉ liên quan đến yếu tố chủng tộc, việc Ethel là một phụ nữ vô tình giết người cũng ít nhiều có liên quan đến định kiến giới, khi gắn kết mật thiết với người chồng William lãnh đạm của cô. Ngoài ra trong tiểu thuyết, Lesley đã không ít lần nhận ra nhiều vấn đề về giới vẫn đang hiện tồn. Bằng chứng là rất nhiều lần cô chỉ trích Tôn Dật Tiên về việc có đến hai vợ dù vẫn bị cuốn hút bởi tài thuyết giảng của ông.
Cô cũng có một cảm xúc phức tạp với Maugham, khi tin tưởng chọn ông là người giãi bày cảm xúc, nhưng đồng thời cũng “ghét” ông vì ông đã dùng vợ mình làm tấm bình phong cho mối quan hệ giữa mình và viên trợ lý.
Trong nhiều mối quan giăng mắc của cuốn sách này, Tan Twan Eng đã xây dựng Lesley là một nhân vật rất đỗi cuốn hút. Cô là người phụ nữ vừa có đức tính “truyền thống” như hy sinh vì con cái mình nhưng cũng mạnh mẽ đứng lên chống lại khuôn khổ và những định kiến vẫn đang hiện tồn.
Và ngôi nhà muôn cánh cửa chính là chứng nhân cho sức mạnh ấy. Đó là nơi tuyệt đẹp với những cánh cửa treo lơ lửng trên không trung từ trần cho đến sàn nhà. Đó cũng đồng thời là những khả thể được mở ra, khi người phụ nữ chủ động chọn lựa tương lai mà mình mong muốn...

Sách do Phanbook và NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành, Tuấn Việt dịch. Ảnh: Minh Anh
Lesley có thể nói là trung tâm của câu chuyện khi chứa đựng tầm vóc tư tưởng của tác giả. Trong nhiều đoạn Tan Twan Eng cho nhân vật này mặc trang phục của người bản xứ, đến các hội nhóm của Tôn Dật Tiên... mặc cho những lời phản đối, qua đó không chỉ cho thấy sự tự chủ trong lựa chọn mà còn đồng thời là tuyên ngôn hợp nhất Đông – Tây bởi quan trọng nhất vẫn là hòa bình và sự hòa hợp.
Tuy vậy tác giả không hồng hóa điều này mà suy cho cùng mở đầu tiểu thuyết, ông đã cho ta thấy lựa chọn của Lesley. Dù lý do là gì, dù lựa chọn ấy không tuân theo những giá trị cô đã theo đuổi, thì ta vẫn thấy ở đó một người phụ nữ sâu sắc, phức tạp và đầy sức mạnh của lý trí và sự hy sinh.
Bằng sự kết hợp giữa sự thật, hư cấu và tài năng đặc biệt, Ngôi nhà muôn cánh cửa sẽ đưa ta về Eo biển Penang một thế kỷ trước để nhìn thấy rất nhiều vấn đề ở giai đoạn đó và còn kéo dài cho đến ngày nay. Tất cả hiện lên sống động, cuốn hút và đầy hấp dẫn từ tài năng của một trong những nhà văn thành công và nổi tiếng nhất Malaysia.