Sớm phủ sóng trạm sạc phục vụ giao thông xanh

Khẩn trương quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới trạm sạc tích hợp với hạ tầng điện là một trong những giải pháp trọng tâm đang được thành phố Hà Nội triển khai, nhằm sớm 'xanh hóa' phương tiện giao thông trên địa bàn...

Đoàn công tác của Sở Xây dựng Hà Nội khảo sát trạm sạc xe buýt điện Vinbus. Ảnh: Tuấn Khải

Đoàn công tác của Sở Xây dựng Hà Nội khảo sát trạm sạc xe buýt điện Vinbus. Ảnh: Tuấn Khải

Băn khoăn về hạ tầng

Thời gian qua, việc chuyển đổi phương tiện vận tải công cộng xanh trên địa bàn Thủ đô đã có những kết quả rất đáng khích lệ. Tính đến tháng 7-2025, thành phố Hà Nội đã đưa vào hoạt động 16 tuyến buýt điện, với tổng cộng 248 xe, chiếm 12,86% tổng số xe buýt có trợ giá, vượt kế hoạch đề ra cho năm 2025.

Hà Nội đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2030, toàn bộ xe buýt trên địa bàn sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Cùng với đó, chuyển đổi xanh cũng được đẩy mạnh với xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Hiện tại Hà Nội có 47,4% xe taxi là xe điện và 46,5% xe hợp đồng dưới 9 chỗ là xe điện. Đến nay, 23 hãng taxi đã cam kết đến hết năm 2030 chuyển đổi 100% phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng, dầu sang sử dụng điện. Dịch vụ xe đạp công cộng TNGo cũng là một điểm sáng với 1.100 xe và 118 điểm, trạm, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố xanh.

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12-7-2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1 từ ngày 1-7-2026, trong Vành đai 2 từ ngày 1-1-2028; hạn chế ô tô cá nhân dùng xăng, diesel trong Vành đai 2 từ ngày 1-1-2028; mở rộng ra Vành đai 3 từ ngày 1-1-2030.

Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long cho biết, thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thứ nhất là vấn đề hạ tầng trạm sạc còn hạn chế. Hiện chưa có quy chuẩn chung về trạm sạc, đầu sạc khiến cho việc sử dụng chung trạm sạc giữa các hãng xe còn khó khăn. Thứ hai là chưa có quy hoạch tổng thể về mạng lưới điện và hạ tầng trạm sạc, đặc biệt là trong khu vực nội đô. Việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng trạm sạc cũng còn thiếu khung pháp lý cụ thể về quản lý và giá dịch vụ. Ngoài ra, tâm lý e ngại về độ bền, phạm vi hoạt động của xe điện vẫn còn tồn tại.

Một số ý kiến cho rằng, việc phát triển hệ thống trạm sạc hiện nay chủ yếu do khối tư nhân chủ động xây dựng, song hành cùng việc cung cấp dịch vụ, dẫn đến hạn chế trong khả năng chia sẻ hạ tầng. Do đó cần có quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới hạ tầng trạm sạc xe điện công cộng trên toàn quốc, bảo đảm mức độ bao phủ, hiệu quả dùng chung để tránh lãng phí hạ tầng và tài nguyên.

Trạm sạc xe buýt điện tại Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội (phường Hoàng Mai). Ảnh: Tuấn Khải

Trạm sạc xe buýt điện tại Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội (phường Hoàng Mai). Ảnh: Tuấn Khải

Khẩn trương xây dựng quy hoạch trạm sạc

Liên quan đến vấn đề nguồn điện, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, với năng lực hiện tại, ngành Điện bảo đảm cung ứng đủ điện để phục vụ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của ngành Giao thông vận tải. Tuy nhiên giai đoạn 2026-2030, nhu cầu lớn nên phải xác định rõ số lượng trạm sạc cần xây dựng hằng năm, theo từng loại công suất, để bảo đảm điều phối điện hiệu quả.

Nhằm tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu như thực tế đang diễn ra, đại diện các sở, ngành cho rằng, cần có một cơ quan chức năng chủ trì, phối hợp với 126 xã, phường của Hà Nội để rà soát, xác định vị trí, diện tích và nguồn gốc đất, phục vụ chuyển đổi mục đích sử dụng, bố trí cho trạm sạc; từ đó cập nhật phương án trình thành phố làm cơ sở triển khai.

“Thành phố nên giao cho một sở làm đầu mối chủ trì với sự tham gia của các đơn vị liên quan; phấn đấu ban hành được quy hoạch trạm sạc ngay trong năm 2025, từ đó ngành Điện sẽ tính toán nguồn điện để đáp ứng nhu cầu. Cùng với đó, các doanh nghiệp nên nghiên cứu phương án cho thuê pin, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân và doanh nghiệp”, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Anh Dũng kiến nghị.

Khẳng định chuyển đổi phương tiện giao thông xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện quyết tâm rất lớn của thành phố trong hành trình hướng tới một đô thị xanh và bền vững,

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã giao Sở Xây dựng chủ trì rà soát tổng thể các quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn liên quan đến trạm sạc. Các dự án đầu tư trong khu vực đô thị khi phê duyệt quy hoạch cần chú ý bố trí trạm sạc. Việc phát triển trạm sạc phải bảo đảm sự thống nhất trên toàn địa bàn. Thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp khi có nhu cầu triển khai trạm sạc phải phối hợp với Sở Xây dựng để cập nhật các trạm đủ điều kiện, loại bỏ trạm không đủ điều kiện; từ đó sớm hoàn thành quy hoạch trạm sạc; khuyến khích các doanh nghiệp chung tay triển khai thí điểm theo phương án chung của thành phố.

Theo dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh và phát triển hệ thống trạm sạc trên địa bàn thành phố đang được Sở Xây dựng Hà Nội lấy ý kiến, dự án đầu tư hạ tầng trạm sạc công cộng sẽ được ngân sách hỗ trợ 70% lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu.

Dự án bến xe, bãi đỗ có từ 30% chỗ đỗ gắn trụ sạc được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng; 100% tiền thuê đất trong 5 năm đầu. Thành phố cũng sẽ ưu tiên đầu tư trụ sạc trên vỉa hè, khuyến khích lắp trạm nạp hydrogen, nhiên liệu sạch.

Đặc biệt, thành phố khuyến khích mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng giao thông năng lượng sạch qua hình thức PPP (đối tác công - tư). Nhà đầu tư sẽ được ưu tiên giao đất và hỗ trợ 100% tiền thuê đất theo quy hoạch đến hết năm 2033.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/som-phu-song-tram-sac-phuc-vu-giao-thong-xanh-710181.html
Zalo