Sớm khắc phục thiếu giáo viên chương trình GDPT mới

Một số địa phương đang thiếu giáo viên các môn học mới của Chương trình GDPT 2018 và đưa ra kiến nghị, giải pháp để tháo gỡ khó khăn.

Giờ dạy học Chương trình mới lớp 7 Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Ảnh: Q. Ngữ.

Giờ dạy học Chương trình mới lớp 7 Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Ảnh: Q. Ngữ.

Gặp khó vì thiếu giáo viên môn mới

Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, triển khai Chương trình GDPT 2018, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, so với định mức quy định còn thiếu 258 giáo viên.

Trong đó thiếu giáo viên Tiếng Anh 71, Tin học 158 đối với cấp Tiểu học; môn Âm nhạc 27, Mĩ thuật 27 đối với cấp THPT và các môn học khác như Toán, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Hiện tại các đơn vị đang khẩn trương thực hiện quy trình tuyển dụng giáo viên các môn học còn thiếu theo quy định.

Hiện tỉnh triển khai kế hoạch đào tạo giáo viên mầm non 142 người, cấp tiểu học môn tiếng Anh 57 người, Tin học 65 người. Từ năm 2018 đến nay, ngành giáo dục đã tuyển dụng 1.413 giáo viên, bố trí vào những vị trí còn thiếu theo biên chế. Việc sử dụng giáo viên đảm bảo đúng chuyên ngành đào tạo; chú ý đến việc điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu đảm bảo các cơ sở giáo dục đều có giáo viên giảng dạy các môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau, khó khăn là tỉnh không có nguồn tuyển giáo viên mới như giáo viên tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật (cấp THPT). Một số nơi vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; vị trí nhân viên y tế học đường, thư viện khó tuyển dụng. Tỉnh thiếu giáo viên dạy môn tổ hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Nghệ thuật theo chương trình mới.

Tỉnh Cà Mau kiến nghị tiếp tục tuyển dụng giáo viên ở những vị trí còn thiếu theo biên chế giao; tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn các môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên, Tin học và Công nghệ cho giáo viên trong biên chế; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với chuyên ngành tin học, ngoại ngữ; đặt hàng đào tạo giáo viên đối với những môn thiếu nhưng không có nguồn để tuyển dụng. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên hằng năm theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, đảm bảo đầy đủ, kịp thời và có chất lượng.

Năm học 2022 - 2023, tỉnh Sóc Trăng có 11.440 giáo viên phổ thông. Hiện nay tỉnh vẫn còn thừa - thiếu giáo viên phổ thông cục bộ. Trong đó, cấp tiểu học thiếu 481 giáo viên Anh văn, Tin học, giáo viên chủ nhiệm; thừa 44 giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục.

Cấp THCS thiếu 81 giáo viên Địa lý, Kỹ thuật công nghiệp, Thể dục, Khmer; thừa 88 giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Cấp THPT thiếu 99 giáo viên Tiếng Anh, Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân, Lịch sử, Ngữ văn; thừa 63 giáo viên Toán, Vật lý, Ngữ văn.

Môn Tin học được triển khai dạy từ lớp 3 nên xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Ảnh: Q. Ngữ.

Môn Tin học được triển khai dạy từ lớp 3 nên xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Ảnh: Q. Ngữ.

Khẩn trương đào tạo, tuyển dụng giáo viên

Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp, các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018 đối với cấp Tiểu học, số lượng giáo viên đáp ứng, kể cả đối với giáo viên dạy Tin học, Ngoại ngữ được triển khai bắt buộc đối với lớp 3 từ năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, tỉnh cần bổ sung thêm giáo viên dạy Tiếng Anh và Tin học khi triển khai lộ trình dạy Tiếng Anh, Tin học cho lớp 3, 4, 5.

Ở cấp THCS, Chương trình GDPT 2018 có môn mới và hoạt động mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương, nên việc sắp xếp bố trí giáo viên gặp không ít khó khăn.

Trao đổi về đội ngũ giáo viên triển khai chương trình mới, thầy Dương Sô Thol, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3 (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết: Năm học 2022 - 2023 toàn trường có 48 giáo viên, theo định mức biên chế là 1,48 giáo viên/ lớp thì còn thiếu 1 giáo viên Tin học.Công tác sử dụng đội ngũ giáo viên, hợp đồng lao động, trường đã tham mưu về việc tuyển dụng trong thời gian tới nhằm đảm bảo biên chế đúng theo trình độ chuyên môn, sắp xếp bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp, đảm bảo các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018.Theo Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, thời gian qua tỉnh thực hiện tốt việc sáp nhập trường lớp, xóa một số điểm lẻ; tổ chức sắp xếp lại đội ngũ để khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên. Tuy nhiên, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại ở các cấp học.Trong đó Tiểu học còn thiếu 270 giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, thừa 47. Dự kiến nhu cầu cần bổ sung trong năm học 2022 - 2023 là 223 giáo viên. Cấp THCS còn thiếu 45 đối với các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, thừa 147 giáo viên, dự kiến nhu cầu cần bổ sung trong năm học 2022 - 2023 là 45 giáo viên.Cấp THPT, số giáo viên thiếu hiện tại là 88 với các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Công nghệ, thừa 17. Dự kiến nhu cầu cần bổ sung trong năm học 2022 - 2023 là 71 giáo viên.Tỉnh Trà Vinh kiến nghị các bộ, ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục Đại học Sư phạm tuyển sinh đào tạo giáo viên dạy các môn: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật hoặc có chương trình bồi dưỡng, đào tạo bổ sung các môn đối với giáo viên hiện nay nhằm đáp ứng việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Có chính sách, biện pháp tuyển dụng đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề; thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần có cơ chế đặc thù tăng chỉ tiêu biên chế, vị trí việc làm đối với địa phương tăng lớp, tăng học sinh…

Quốc Ngữ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/som-khac-phuc-thieu-giao-vien-chuong-trinh-gdpt-moi-post633301.html
Zalo