Sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Chiềng Sinh
Theo phản ánh của nhân dân, nhiều năm nay, cứ vào thời điểm cuối tháng 10 dương lịch, mương nước chảy qua tổ 6, tổ 7, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, lại xảy ra tình trạng bốc mùi hôi, thối. Nhân dân đã nhiều lần kiến nghị, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, song tình trạng này vẫn tái diễn, chưa được khắc phục triệt để.
Sáng 27/11, phóng viên Báo Sơn La đến hiện trường khu vực cầu giáp ranh tổ 6, tổ 7, phường Chiềng Sinh. Thời điểm này, nước trong mương có màu đen, bốc mùi hôi, thối nồng nặc. Trên mặt nước, rác thải sinh hoạt, bao bì, túi nilon... trôi nổi, rất mất vệ sinh.
Ông Nguyễn Hùng Khoa, tổ 6, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, năm nay 78 tuổi, nhà ở cách mương nước thải khoảng 20m, nói: Mương nước bốc mùi hôi thối, ngoài nước cà phê còn có cả nước thải sinh hoạt, nước xả từ chăn nuôi, rác thải do người dân vứt xuống, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân sống trong khu vực. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, các cấp chính quyền cũng đã xuống kiểm tra, nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Còn nhà anh Trần Văn Tuấn, tổ 6, phường Chiềng Sinh, cách mương nước khoảng 50 m luôn phải đóng kín cửa cả ngày lẫn đêm, vì mùi hôi thối bốc lên từ mương nước. Anh Tuấn nói: Tôi sinh sống ở đây từ năm 1991, tình trạng mương nước có mùi hôi thối xảy ra khoảng 5 năm trở lại đây. Các hộ nhiều lần kiến nghị với tổ, phường và có nhiều đoàn công tác xuống xác minh, nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Chúng tôi rất lo lắng sức khỏe của người già, trẻ nhỏ, mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này.
Xác minh phản ánh của nhân dân tổ 6, phường Chiềng Sinh, chiều ngày 25/11/2024, Đoàn công tác của tỉnh, gồm: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố và huyện Mai Sơn đã kiểm tra thực tế dọc tuyến mương thoát nước từ khu vực cầu tổ 6, phường Chiêng Sinh, thành phố Sơn La, ngược đến thôn 2 Hoàng Văn Thụ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn và nhận thấy, gần mương thoát nước có các cơ sở sơ chế cà phê đang hoạt động. Tuy nhiên, chưa phát hiện được cơ sở nào xả nước thải ra mương, khiến mương nước bốc mùi hôi, thối đặc trưng của xả thải sơ chế cà phê, nhiều đoạn mương kèm theo cả bao, túi rác do nhân dân xả, thải vứt xuống dòng chảy.
Đặc biệt, tại bản Hợp 3 Văn Tiên, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, có cơ sở sơ chế cà phê của hộ ông Đoàn Văn Tuyên, công suất chế biến lớn khoảng 10-15 tấn cà phê quả tươi/ngày. Trong khi đó, giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường số 3808/GXN-UBND ngày 18/10/2021 của UBND huyện Mai Sơn cấp cho hộ kinh doanh Đoàn Văn Tuyên chỉ có công suất 8 tấn/ngày, đêm.
Ngoài ra, quan sát bằng mắt thường, có thể thấy, hệ thống bể thu gom nước thải từ sơ chế cà phê của hộ ông Tuyên có một số điểm cần kiểm tra, xem xét, đánh giá kỹ, như kích thước bể chứa hiện tại có đủ đáp ứng việc thu gom toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất với phương pháp chế biến hiện tại hay không? Mặc dù các bể đều được lót bạt, nhưng việc xuất hiện xoáy nước ở bể giữa là dấu hiệu cần được kiểm tra, xác minh, đảm bảo bể không bị rò rỉ, gây ô nhiễm môi trường.
Tiếp tục đi bộ thêm 1 km dọc mương nước dẫn về phía thượng nguồn, đến thôn 2 Hoàng Văn Thụ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Đoàn công tác phát hiện thêm cơ sở sơ chế cà phê của hộ anh Bùi Đức Dương. Cơ sở có công suất sơ chế 5-7 tấn quả cà phê tươi/ngày. Quan sát khu vực sơ chế và thu gom nước từ hoạt động sơ chế cà phê của hộ anh Dương đã đầu tư 3 bể chứa nước thải, tổng dung tích khoảng 1.000m3
Thời điểm 16 giờ chiều, cơ sở vẫn đang bóc tách vỏ quả cà phê tươi. Anh Dương chia sẻ: Đầu vụ, gia đình đã ký cam kết với Chủ tịch UBND xã không xả thải nước thải và vỏ bã quả cà phê ra môi trường. Nước cà phê sau sơ chế được thu gom để lắng, vỏ bã quả cà phê tươi cũng được đổ thành đống, khi phân hủy sẽ cho các hộ trong thôn đến lấy về bón, tưới cho cây trồng.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Niên vụ 2024-2025, huyện Mai Sơn có 9.169 ha cà phê, trong đó, diện tích cho thu hoạch trên 7.600 ha, sản lượng trên 86.200 tấn; có 145 hộ thuộc 7 xã đăng ký sơ chế cà phê quả tươi. Riêng xã Chiềng Ban, có 76 hộ đăng ký sơ chế cà phê. UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản niên vụ 2024-2025.
Ngày 7/3/2024, huyện tổ chức hội nghị ký cam kết tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2024; huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sơ chế nông sản đối với 132 cơ sở đăng ký sơ chế nông sản niên vụ 202 - 2025; tổ chức ký cam kết giữa chủ cơ sở với chủ tịch UBND các xã.
Trước đó, Đoàn liên ngành của UBND huyện Mai Sơn đã kiểm tra, rà soát các hộ đăng ký sơ chế cà phê quả tươi niên vụ 2024-2025 trên địa bàn huyện, bao gồm cả các hộ nằm sát mương thoát nước tại tổ 6, phường Chiềng Sinh, Thành phố.
Qua kiểm tra, ngày 19/11, Đoàn xác định một số cơ sở sơ chế nông sản vẫn lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Hành vi vi phạm này được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến khu vực phường Chiềng Sinh (Thành phố) và các xã Chiềng Mung, Mường Bon, Mường Bằng (Mai Sơn).
Trước thực trạng đó, Đoàn liên ngành yêu cầu các xã nghiêm túc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, nguồn nước và tuân thủ các nội dung ký cam kết với Chủ tịch UBND huyện. Đồng thời, các xã tăng cường kiểm tra, giám sát địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Đến nay, UBND xã Chiềng Ban đã phát hiện 3 trường hợp là hộ ông Trần Văn Phương, thôn 2 Hoàng Văn Thụ; ông Vũ Văn Đôn và hộ ông Đinh Văn Cấp, bản Hợp 3 Văn Tiên, lắp đặt đường ống xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, xử phạt 12 triệu đồng.
Về phía thành phố Sơn La, sau khi nhận được thông tin phản ánh của công dân có tài khoản facebook Khoa Nguyên trên fapage tin tức Sơn La, chiều 14/11/2024, Tổ công tác của Thành phố đã kiểm tra, rà soát dọc theo con suối hướng về phía thượng nguồn, đến đập hồ giáp ranh phường Chiềng Sinh và xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, phát hiện có cơ sở chăn nuôi, sơ chế cà phê gần mương thoát nước.
Ông Đoàn Xuân Thi, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố, cho biết: Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố và huyện Mai Sơn, UBND phường Chiềng Sinh đã phối hợp rà soát các cơ sở, kiểm tra tình trạng ô nhiễm dọc khu vực mương thoát nước khu vực Chiềng Sinh đến tiếp giáp xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn. Xác định nguồn ô nhiễm nước do nước thải từ sơ chế cà phê chủ yếu tại huyện Mai Sơn chảy về tổ 6, tổ 7, phường Chiềng Sinh, Thành phố. Qua kiểm tra, tổ 6 và tổ 7 của phường Chiềng Sinh có một số cơ sở sơ chế cà phê chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong chế biến.
Công tác quản lý hoạt động sơ chế cà phê gặp nhiều khó khăn, do đặc thù hoạt động của các cơ sở này thường diễn ra vào ban đêm, từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Điều này, gây cản trở đáng kể việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, chính quyền một số xã chưa quan tâm, tập trung chỉ đạo việc quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Vẫn còn tình trạng ỷ lại, trông chờ vào cơ quan chuyên môn cấp huyện, chưa phát huy sức mạnh của người dân trong việc đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm về môi trường.
Thực tế, cây cà phê đang là cây trồng chủ lực tại một số huyện, thành phố. Đặc điểm, cà phê quả tươi sau khi thu hoạch, nếu không được sơ chế kịp thời trong vòng 24 giờ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị. Trong khi đó, toàn tỉnh có 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung, mới đáp ứng thu mua, chế biến 30-40% sản lượng cà phê quả tươi, lượng cà phê còn lại được sơ chế tại các hộ gia đình, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ gây ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng từ hoạt động này và tái diễn hằng năm.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, thông tin thêm: UBND huyện Mai Sơn tiếp tục chỉ đạo các xã rà soát, cập nhật lại danh sách các hộ sơ chế cà phê; giám sát việc lưu chứa nước thải trong hoạt động sơ chế cà phê đối với các hộ đã có hệ thống lưu chứa và hồ sơ về môi trường; lập hồ sơ xử lý các sai phạm về đất đai, môi trường, đề xuất ngừng cấp điện 3 pha đối với các trường hợp xả nước thải gây ảnh hưởng đến nhiều hộ phía hạ lưu hoặc trường hợp cố tình vi phạm hoặc tái phạm để răn đe.
Theo kế hoạch, ngày 2/12/2024, UBND huyện Mai Sơn tiếp tục làm việc với UBND các xã có hoạt động sơ chế cà phê quả tươi, đánh giá kết quả triển khai các nội dung Chủ tịch UBND huyện giao về thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với hoạt động sơ chế cà phê từ đầu niên vụ đến nay.
Về lâu dài, UBND Thành phố và huyện Mai Sơn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp để di chuyển các cơ sở chế biến cà phê vào sản xuất, xử lý môi trường tập trung; duy trì hoạt động Đoàn giám sát nông sản của tỉnh đối với các nhà máy sơ chế nông sản quy mô tập trung.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường; xây dựng chính sách thu hút tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thu mua, sơ chế, chế biến cà phê bằng phương pháp ướt đầu tư trong khu công nghiệp. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản, bảo vệ môi trường sống của nhân dân.