Sợi dây gắn kết cộng đồng
Từ coi trọng chất lượng Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa', các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết cộng đồng, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh. Phong trào trở thành động lực phấn đấu của từng hộ, từng khu dân cư, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhà văn hóa xóm An Thành, xã Kha Sơn, được hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng diện tích 1.850m2, trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Ảnh: T.L
Mặt trái của kinh tế thị trường đã có tác động tiêu cực đến các mối quan hệ xã hội. Một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ sống thờ ơ, vô cảm, lối sống thiếu trách nhiệm không còn là chuyện hiếm trong xã hội.
Chính vì thế Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được ví như sợi dây gắn bó tình cảm giữa mọi người trong cộng đồng xã hội.
Không chạy theo thành tích, hầu hết các khu dân cư của tỉnh luôn thực hiện nghiêm túc việc bình xét khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. Cương quyết không vì nể nang để đưa vào danh sách gia đình văn hóa đối với hộ chưa đạt các tiêu chí theo quy định.
Việc bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa được thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ, mang tính giáo dục cao đã khuyến khích người dân tích cực tham gia thực hiện. Đó cũng là cách hóa giải, đưa chất lượng Phong trào lên một bước cao hơn, từ đó củng cố, xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh.
Do các cấp, ngành, khu dân cư thực hiện triển khai đồng bộ các nội dung, nhất là việc địa phương linh hoạt thực hiện lồng ghép với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nên hầu hết các nội dung của Phong trào đã và đang trở thành hành động hằng ngày của người dân.
Từ đó tạo không khí thi đua sổi nổi, mọi người dân ở các khu dân cư được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm xóa giảm nghèo bền vững để vươn lên làm giàu chính đáng; kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình; nuôi dạy con cháu và giáo dục thế hệ trẻ lối sống có trách nhiệm với mọi người trong cộng đồng xã hội và với chính bản thân mình.
Cùng sự quan tâm vào cuộc sâu sát của các cấp, ngành liên quan là các nội dung, tiêu chí của Phong trào đề ra đều gắn với cuộc sống hằng ngày và mong muốn chung của người dân. Hơn nữa, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu đã tạo sự phấn chấn, thôi thúc các gia đình đăng ký tham gia thực hiện với ý thức nghiêm túc.
Từ đó Phong trào trở thành xu hướng tất yếu để xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh. Kết quả, trong thời gian 3 năm gần đây bình quân có 93% số hộ đạt “Gia đình văn hóa”/năm; 97% khu dân cư đạt văn hóa/năm.
Một thuận lợi là hầu hết các khu dân cư đã có nhà văn hóa cho nhân dân hội họp. Theo đó, các hoạt động thông tin tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được triển khai đầy đủ, chính xác; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên; các câu lạc bộ theo sở thích của người dân được thành lập, duy trì hoạt động có hiệu quả.
Cũng tại các khu dân cư, trong thời gian 5 năm gần đây đã có khoảng hơn 100 mô hình, mẫu hình văn hóa, văn nghệ được thành lập mới. Mô hình thu hút được hàng trăm nghệ nhân và người dân tham gia các hoạt động gìn giữ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thông qua hoạt động văn nghệ quần chúng. Qua đó nhiều nét đẹp văn hóa dân gian được phục dựng, trao truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư.
Chất lượng Phong trào được coi trọng; các khu dân cư, hộ gia đình đạt tiêu chí văn hóa được đánh giá đúng thực chất, khách quan. Điều này đã khuyến khích người dân tích cực đăng ký tham gia và nghiêm túc thực hiện các nội dung Phong trào. Qua đó, góp phần vun đắp khối đại đoàn kết, xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng văn minh, thịnh vượng và hạnh phúc.