Số lượng người học ngành STEM tăng mạnh

Dù tăng mạnh nhưng số lượng người học ngành STEM của Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 (chiều 3/7). Ảnh: Quang Thương.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 (chiều 3/7). Ảnh: Quang Thương.

Tạo hiệu ứng tích cực đối với người học

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 (chiều 3/7), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao đổi một số nội dung liên quan đến phát triển các ngành công nghệ cao, bán dẫn; trong đó nhấn mạnh đến công tác đào tạo, chuẩn bị nhân sự chất lượng cao cho các lĩnh vực này.

Thứ trưởng khẳng định, nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là mục tiêu cốt lõi của giáo dục. Nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT chú trọng giáo dục STEM (gồm: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) cho học sinh từ bậc phổ thông và được tiếp nối đến giáo dục đại học, trên đại học.

Với sự chuyển đổi mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đòi hỏi ngày càng cấp thiết, cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực về khoa học công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, để có đủ năng lực thực hiện những dự án lớn và hợp tác quốc tế.

Bộ GD&ĐT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 24/5/2025, phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025–2035, định hướng đến năm 2045. “Đây là cơ sở quan trọng để triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm phát triển nhân lực STEM trong thời gian tới”- Thứ trưởng nhìn nhận.

 Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC.

Về quy mô đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành nghề, lĩnh vực nêu trên, Thứ trưởng cho biết, đến thời điểm này có đến 90% cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo các ngành STEM.

Toàn hệ thống có 218 cơ sở đào tạo (trong đó có 158 công lập, 60 tư thục) tham gia đào tạo các ngành STEM. Tổng số sinh viên tuyển mới năm 2024 là hơn 218.000, chiếm khoảng 36% tổng số sinh viên tuyển sinh trên toàn quốc. Quy mô đào tạo đại học chính quy năm 2024 tăng so với năm 2023. Riêng lĩnh vực STEM tăng 10,6%, tương đương hơn 60.000 sinh viên.

Thứ trưởng nhận định, xu thế sinh viên theo học STEM tăng hơn nhiều so với nhiều năm về trước. Điều này cho thấy, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang tạo hiệu ứng tích cực đối với người học.

Phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng

Về quy mô đào tạo sau đại học, Thứ trưởng thông tin, năm 2024 số lượng học viên ngành STEM là tiếp tục tăng mạnh. Trình độ thạc sĩ tăng 34%, đạt gần 20.000 học viên. Trình độ tiến sĩ tăng 33%, với gần 4.000 là nghiên cứu sinh, tăng gần 600 nghiên cứu sinh so với năm 2023. Đây là những tín hiệu rất tích cực, cho thấy sự phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn nhân lực STEM trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện tỷ lệ sinh viên học STEM ở Việt Nam vẫn dao động trong khoảng 27% – 31%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới như: Singapore (46%), Malaysia (50%), Hàn Quốc (35%), Phần Lan (36%), Đức (39%). Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học để thúc đẩy đào tạo trong các lĩnh vực STEM.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 (chiều 3/7). Ảnh: Quang Thương.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 (chiều 3/7). Ảnh: Quang Thương.

Liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024, phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Mục tiêu là đến năm 2030, đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Đến năm 2050, chúng ta đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo, đặc biệt các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Và trong năm học 2024-2025, tức là năm học này đang diễn ra sắp kết thúc, thì chúng ta có khoảng 19.000 sinh viên nhập học vào các ngành phù hợp với lĩnh vực bán dẫn này và chiếm tới, chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên theo học ngành ngành STEM.

Ngay trong năm học 2024–2025, có khoảng 19.000 sinh viên nhập học các ngành phù hợp với lĩnh vực bán dẫn, chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên theo học ngành STEM. Hiện, có 166 cơ sở đào tạo các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn, trong đó 97 cơ sở đào tạo trực tiếp các ngành này. Nhiều trường ngoài công lập cũng tích cực tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.

Để bảo đảm chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng tư vấn và Hội đồng thẩm định Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 1314/QĐ-BGDĐT ngày 13/5/2025, công bố Chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ ngành vi mạch bán dẫn.

Hiện, đã có hơn 30 chương trình đào tạo đăng ký triển khai theo Chương trình 1017, trong đó có 8 cơ sở giáo dục đại học sẽ áp dụng ngay từ năm học 2025–2026. Đồng thời, Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng và sẽ sớm ban hành Chuẩn chương trình đào tạo tài năng trong lĩnh vực STEM để triển khai Đề án theo Quyết định 1002/QĐ-TTg.

 Đảng và Nhà nước xác định, giáo dục - đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Ảnh: Dương Triều.

Đảng và Nhà nước xác định, giáo dục - đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Ảnh: Dương Triều.

Về chế độ chính sách, Thứ trưởng cho hay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược; dự kiến trình Chính phủ trong tháng 7/2025.

Nội dung dự thảo Nghị định quy định về chính sách cấp học bổng tập trung cho các đối tượng là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc 3 lĩnh vực được quy định tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, gồm: khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược, phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang được Đảng, Nhà nước quan tâm.

Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh học các ngành STEM. Hiện, dự thảo Quyết định đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện; dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7/2025.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo quyết liệt việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, chuyên gia cũng đang tập trung, triển khai, hiến kế nhiều giải pháp, vừa phát huy nội lực, vừa tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đạt được mục tiêu trên.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/so-luong-nguoi-hoc-nganh-stem-tang-manh-post738291.html
Zalo