'Số hóa' sản phẩm OCOP

Cùng với sự đồng hành của các ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và cơ sở sản xuất tại Lâm Đồng đang chủ động chuyển đổi số, xây dựng kênh bán hàng trực tuyến song song với truyền thống. Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp mở rộng thị phần, tăng doanh thu và khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường.

Tuyển chọn thanh long xuất khẩu HTX Thanh long hữu cơ Phú Hội

Tuyển chọn thanh long xuất khẩu HTX Thanh long hữu cơ Phú Hội

Chuyển đổi số - chìa khóa mở rộng thị trường

Tính đến tháng 7/2025, toàn tỉnh có 913 sản phẩm OCOP, đạt 115% kế hoạch. Trong đó, 821 sản phẩm đạt 3 sao, 85 sản phẩm đạt 4 sao và 7 sản phẩm đạt 5 sao. Bên cạnh chất lượng và an toàn thực phẩm, các sản phẩm đều có địa chỉ truy xuất nguồn gốc rõ ràng, mẫu mã bao bì được cải tiến phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ số đang được xác định là giải pháp đột phá giúp quảng bá hiệu quả và kết nối cung cầu nhanh chóng.

Một trong những mô hình tiêu biểu là HTX Dịch vụ Thanh long Hữu cơ Phú Hội (phường Bình Thuận), hiện đang canh tác hơn 81 ha thanh long, trong đó có 10 ha đạt chuẩn GlobalGAP. Bà Ngô Xuân Khánh Vân, Giám đốc Kinh doanh HTX cho biết, HTX cung ứng hàng trăm tấn thanh long mỗi năm, xuất khẩu thị trường nước ngoài đồng thời ổn định thị trường trong nước. Sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao...

Nhiều chủ thể OCOP khác cũng đang phát huy lợi thế từ chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh. HTX Thanh long sạch Hòa Lệ, HTX Dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30 với sản phẩm thanh long xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, UAE. Các doanh nghiệp như: Công ty TNHH TM-SX Long Thủy, Công ty TNHH SX-TM-DV A Hùng với sản phẩm sầu riêng OCOP đã được cấp mã số vùng trồng, xuất khẩu ổn định sang Trung Quốc.

Một số HTX mạnh về sản phẩm chế biến cũng đạt được kết quả tích cực. HTX Công Bằng Thuận An có sản phẩm cà phê bột đạt OCOP 4 sao, đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu. Công ty TNHH Chăn nuôi TAFA Việt (xã Trà Tân) có sản phẩm trứng gà tươi và trứng gà nướng đạt chứng nhận OCOP 4 sao, đang phân phối tại các đại lý, cửa hàng nông sản và hệ thống siêu thị trong nước...

Sản phẩm OCOP Lâm Đồng

Sản phẩm OCOP Lâm Đồng

Đồng hành lan tỏa giá trị sản phẩm địa phương

Bên cạnh nỗ lực từ các chủ thể, ngành chức năng cũng tăng cường hỗ trợ chuyển đổi số cho sản phẩm OCOP. Đồng hành cùng các chủ thể OCOP, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai cẩm nang điện tử và tổ chức các lớp tập huấn số hóa quy trình OCOP. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất cập nhật hồ sơ sản phẩm, quảng bá và bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop, chợ phiên OCOP, website, fanpage, clip trải nghiệm thực tế… góp phần lan tỏa giá trị văn hóa và câu chuyện sản phẩm đến người tiêu dùng.

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cũng tích cực triển khai đề án Truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm OCOP. Người tiêu dùng có thể quét mã QR trên bao bì để tra cứu thông tin về quy trình sản xuất, nguồn gốc, giá thành… Qua đó khẳng định tính minh bạch và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, sở kết nối các doanh nghiệp, HTX tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh, xây dựng website thương mại điện tử và đưa sản phẩm lên các sàn lớn do Bộ Công thương triển khai...

Tuy nhiên, quá trình ứng dụng nền tảng số trong tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn gặp khó khăn. Nhiều chủ thể là HTX nhỏ hoặc hộ sản xuất cá thể, còn hạn chế về kỹ năng số, khả năng tiếp cận thị trường lớn và xây dựng thương hiệu bền vững. Đây là thách thức cần được quan tâm tháo gỡ, để sản phẩm OCOP của Lâm Đồng phát triển bền vững và vươn xa hơn nữa trên thị trường trong và ngoài nước.

THANH DUYÊN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/so-hoa-san-pham-ocop-383000.html
Zalo