Siu Klah: Người gìn giữ di sản văn hóa cồng chiêng

Những năm qua, già làng Siu Klah (làng Dek, xã Ia Hrú, tỉnh Gia Lai) luôn tận tâm trao truyền vốn văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Vì vậy, ông được dân làng mệnh danh là người giữ gìn giữ di sản văn hóa cồng chiêng.

Từ nhỏ, cậu bé người Jrai Siu Klah đã được cha dắt đi dự các lễ hội làng, đắm mình trong nhịp cồng chiêng ngân vang giữa núi rừng. Năm 8 tuổi, cậu được cha dạy cách đánh chiêng.

 Già làng Siu Klah (giữa) cùng các thành viên CLB cồng chiêng làng Dek. Ảnh: Đồng Lai

Già làng Siu Klah (giữa) cùng các thành viên CLB cồng chiêng làng Dek. Ảnh: Đồng Lai

“Hồi đó, tôi mê tiếng chiêng đến mức mỗi lần nghe thấy là muốn chạy theo. Tôi thường ngồi nhìn cha và các ông trong làng đánh chiêng cả buổi mà không biết chán. Càng nghe càng thấy gần gũi”-ông Klah kể.

Năm 17 tuổi, Siu Klah đã cùng các nghệ nhân lớn tuổi trong làng diễn tấu cồng chiêng trong các nghi lễ quan trọng như: lễ bỏ mả, lễ cưới, lễ mừng lúa mới hay lễ cúng Yàng (thần linh).

“Chiêng không phải để trình diễn mà để truyền tải ký ức và tâm thức cộng đồng. Mỗi lần đánh chiêng, tôi đều kể lại nguồn gốc, ý nghĩa của từng bài chiêng, giúp người nghe hiểu thêm về đời sống văn hóa tinh thần của người Jrai”-ông Klah chia sẻ.

Từ năm 1990, ông Siu Klah đứng ra thành lập CLB cồng chiêng làng Dek. Sau đó, ông vừa duy trì luyện tập, vừa kết nối để truyền dạy cho thanh thiếu niên trong làng.

Từ vài người ban đầu, CLB cồng chiêng làng Dek đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia và duy trì hoạt động cho đến nay. Hiện CLB có hơn 20 thành viên, nhiều em mới học lớp 1, lớp 2 cũng hào hứng tham gia. Em Siu Thương (SN 2017) chia sẻ: “Lúc đầu, em học vì tò mò. Nhưng càng tập, em lại càng thấy say mê cồng chiêng”.

Không chỉ truyền dạy kỹ thuật đánh cồng chiêng, ông Klah còn dạy thanh thiếu niên trong làng hiểu ý nghĩa từng bài chiêng. “Không biết cồng chiêng thì chưa biết mình đến từ đâu. Không nghe được tiếng chiêng thì chưa hiểu tổ tiên muốn nói gì. Phải sống tử tế, biết kính trọng tổ tiên, biết vì cộng đồng thì tiếng chiêng mình đánh mới đúng điệu. Không có đạo lý, tiếng chiêng chỉ còn là âm thanh rỗng”-ông Klah nhấn mạnh.

Chưa bao giờ nhận mình là nghệ nhân nhưng ông Klah vẫn được người làng xem là “bách khoa toàn thư” về văn hóa cồng chiêng. Ông nhớ và phân biệt rõ bài chiêng nào dành cho lễ cưới, bài chiêng nào dành cho lễ bỏ mả, bài chiêng nào chỉ được đánh khi lúa mới vừa trổ bông. Theo ông, chiêng không có người đánh thì là chiêng câm. Người không giữ chiêng thì cũng dễ lạc mình giữa muôn mặt đời sống. Mỗi tiếng chiêng đều mang một thông điệp, một tầng ý nghĩa, phản ánh triết lý sống thuận tự nhiên, gắn bó cộng đồng và tôn kính tổ tiên của người Jrai.

 Ông Siu Klah hướng dẫn em Siu Thương cách cầm dùi và giữ nhịp chiêng. Ảnh: Đồng Lai

Ông Siu Klah hướng dẫn em Siu Thương cách cầm dùi và giữ nhịp chiêng. Ảnh: Đồng Lai

Không chỉ là người gìn giữ di sản văn hóa cồng chiêng, ông Klah còn là nhân tố tích cực, có nhiều đóng góp xuất sắc trong xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Ông được Chủ tịch UBND huyện Chư Sê (cũ) tặng giấy khen “Người có uy tín tiêu biểu trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc” giai đoạn 2021 - 2023.

Ông Bùi Văn Cường-Phó Trưởng Phòng Văn hóa-Xã hội xã Ia Hrú-cho hay: Già Klah là tấm gương sáng, hạt nhân nòng cốt trong công tác bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại địa phương. Ông không chỉ giỏi biểu diễn cồng chiêng mà còn luôn tận tâm truyền dạy cho lớp trẻ. Nhờ ông làm cầu nối, phong trào học đánh cồng chiêng ngày càng phát triển. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với ông Klah để tổ chức truyền dạy cồng chiêng sâu rộng hơn trong cộng đồng.

ĐỒNG LAI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/siu-klah-nguoi-gin-giu-di-san-van-hoa-cong-chieng-post560500.html
Zalo