Sinh viên truyền thông mang ứng dụng công nghệ phục dựng vào lịch sử
Không phải từ bảo tàng, cũng không phải từ sách giáo khoa, thế nhưng những bức ảnh cũ phủ bụi màu thời gian đã được người trẻ dùng trí tuệ nhân tạo để đánh thức lịch sử. Đó chính là điểm sáng nổi bật trong chiến dịch 'Sao Đầu Mũ', một hành trình kết nối thế hệ sinh viên TP.HCM (18–22 tuổi) với lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945 đến nay, do nhóm dự án Người Việt Nam khởi xướng.

Video Series “Sao trên chiến trận” hiện đang thu hút được sự theo dõi của đông đảo người trẻ
Dự án kéo dài từ nay cho đến ngày 17.9, với chuỗi hoạt động trải dài.
Theo đó, sự kiện gây chú ý với Video Series “Sao trên chiến trận” – 4 tập phim tài liệu ngắn sử dụng công nghệ AI để phục dựng tư liệu lịch sử.
Những hình ảnh đen trắng của chiến tranh được làm sống động: đôi mắt rực lửa niềm tin của người lính, dáng đi kiên cường giữa khói bom, tiếng kể trầm ấm của các cựu chiến binh... tất cả hòa vào nhau tạo nên một bản giao hưởng cảm xúc chưa từng có.
“Chúng mình không chỉ muốn kể lại chuyện xưa – mà muốn làm sống dậy quá khứ bằng cách người trẻ thấy gần gũi nhất, đó là công nghệ”, bạn Nguyễn Hữu Trường, thành viên nhóm dự án chia sẻ.

Ảnh cũ lưu niệm của Cô Vũ Minh Nghĩa - chiến sĩ nữ Biệt Đồng Sài Gòn

Ảnh sau phục dựng và làm màu của dự án
Không dừng lại ở video, chiến dịch tiếp nối bằng triển lãm tương tác tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định vào ngày 27-28.7 tới đây, nhân dịp 78 năm Ngày thương binh, liệt sĩ. Tại đây các bạn trẻ sẽ được trải nghiệm thực tế qua tư liệu, lời kể nhân chứng sống và hoạt động kết nối xuyên thế hệ.
“Sao Đầu Mũ” quy tụ nhiều nhân vật lịch sử tiêu biểu như: Bà Vũ Thị Minh Nghĩa (chiến sĩ đội 5 Biệt động đánh Dinh Độc Lập), ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) (chiến sĩ biệt động), ông Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) là nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316, bà Nguyễn Thị Bích Nga (Chủ nhiệm CLB Truyền thống Kháng chiến) và nhiều cựu chiến binh, giao liên, nhân chứng lịch sử khác…
Chiến dịch “Sao Đầu Mũ” là minh chứng rõ nét cho một điều: Giới trẻ không thờ ơ với lịch sử – họ chỉ cần một cách tiếp cận phù hợp.
Đại diện nhóm cho biết thêm: “Người lính năm xưa giản dị và bình tâm sống, không đòi vinh danh. Nhưng chính họ đã làm nên đất nước. Dự án này là lời tri ân và cũng là một cách để thế hệ trẻ biết ơn và ghi nhớ”.
Với công nghệ phục dựng ảnh, trí tuệ nhân tạo, storytelling hiện đại, cùng thông điệp giàu cảm xúc, “Sao Đầu Mũ” không chỉ là một chiến dịch truyền thông, mà là một nỗ lực kiến tạo ký ức tập thể bằng ngôn ngữ của thế hệ mới.
Hoạt động cũng nằm trong chiến dịch là đêm nghệ thuật “Vườn âm nhạc” tại Nhà hát HTV sẽ được tổ chức vào ngày 10.8 tới đây. Hoạt động nghệ thuật là màn trình diễn lịch sử bằng âm nhạc và sân khấu hóa - một sân khấu không đơn thuần là nơi biểu diễn, mà là nơi những ký ức trở thành chất liệu sáng tạo.