Sinh viên Trung Quốc dịch chuyển sang ngành công nghệ
Xu hướng lựa chọn ngành kỹ thuật tại Trung Quốc có sự đối lập mạnh mẽ với Mỹ.

Các khối ngành về kỹ thuật, AI, robot được sinh viên Trung Quốc 'săn đón'.
Sau kỳ thi tuyển sinh đại học căng thẳng, sinh viên Trung Quốc bước vào giai đoạn chọn ngành, trong đó phần lớn hướng về các ngành kỹ thuật mới như AI, robot, khoa học dữ liệu. Xu hướng này phản ánh sự chuyển dịch chiến lược giáo dục của Bắc Kinh, đặt công nghệ làm trung tâm để cạnh tranh toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Biết kết quả thi đại học, He Junjie, 18 tuổi, sống tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, cân nhắc lựa chọn các ngành phù hợp về điểm số, sở thích và quan trọng nhất là nhu cầu của thị trường. Em cùng nhiều bạn học đang nghiêng về những ngành kỹ thuật mới nổi như AI, robot, khoa học dữ liệu thay vì ngành truyền thống như kinh tế, tài chính…
Cách đây 2 thập kỷ, khi Trung Quốc mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại quốc tế và quy hoạch đô thị là những ngành học được yêu thích. Giờ đây, trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt với Mỹ, làn sóng chuyển dịch sang các ngành kỹ thuật như trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật ô tô, khoa học dữ liệu và robot là lựa chọn phổ biến của thanh thiếu niên.
Theo ông Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, “kỹ thuật mới” đang là lựa chọn phổ biến vì mang lại triển vọng việc làm tốt, không chỉ về số lượng cơ hội mà còn vì mức đầu tư mạnh mẽ từ chính phủ.
Khái niệm “kỹ thuật mới” do Bộ Giáo dục Trung Quốc giới thiệu từ năm 2017, bao gồm các ngành học liên ngành như AI, kỹ thuật sinh học, sản xuất thông minh và robot. Đây được coi là những lĩnh vực then chốt trong chiến lược hiện đại hóa công nghiệp của Bắc Kinh. Tính đến tháng 3/2025, hơn 20 nghìn chương trình đại học mới đã được Bộ Giáo dục Trung Quốc phê duyệt trong vòng một thập kỷ, với phần lớn là ngành kỹ thuật.
Các trường đại học danh tiếng cũng điều chỉnh mạnh mẽ chiến lược đào tạo. Đại học Phúc Đán, vốn nổi bật trong lĩnh vực xã hội nhân văn, đã giảm tỷ lệ tuyển sinh nhóm ngành này từ hơn 30% xuống còn 20%, đồng thời tăng chỉ tiêu kỹ thuật lên gần 30% tổng số tuyển sinh năm 2024.
Lý do là sự định hướng chiến lược từ nhà nước. Với mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ cao, Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo thay vì mô hình tăng trưởng dựa trên bất động sản và xuất khẩu như trước đây.
Xu hướng lựa chọn ngành kỹ thuật tại Trung Quốc có sự đối lập mạnh mẽ với Mỹ. Theo dữ liệu từ năm 2022, khoảng 36% sinh viên đại học Trung Quốc theo học ngành kỹ thuật. Con số này ở Mỹ chỉ là 5%, trong khi kinh doanh (19%), ngành nghề y tế và khoa học xã hội vẫn giữ vị trí hàng đầu.
Tuy vậy, điều đó không đồng nghĩa với việc Mỹ yếu thế trong đổi mới công nghệ. Nhà nghiên cứu Chu lập luận mô hình giáo dục linh hoạt và theo định hướng cá nhân ở Mỹ cho phép sinh viên phát triển theo đam mê, từ đó dẫn đến hiệu quả sáng tạo và xã hội cao hơn.
He Junjie và các bạn cùng trang lứa đại diện cho thế hệ sinh viên Trung Quốc mới. Đó là năng động, thực tế và sẵn sàng chọn ngành học theo chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, họ cũng đứng trước một lựa chọn khó khăn là nên theo đuổi điều mình thực sự yêu thích hay chọn con đường “an toàn” dựa trên thị trường?
Nhà nghiên cứu Chu cảnh báo rằng việc lựa chọn ngành học dựa quá nhiều vào xu hướng thị trường có thể dẫn đến hệ lụy lâu dài. Nếu thiếu đam mê và sự hiểu biết về bản thân, nhiều sinh viên sau khi ra trường chỉ có thể đảm nhiệm các vị trí công việc ở mức độ thấp. Thực tế này đặt ra câu hỏi về hiệu quả lâu dài của việc đào tạo nếu chỉ dựa vào nhu cầu ngắn hạn của thị trường lao động.
Theo SCMP