Sinh viên trải nghiệm thực tế từ việc làm thêm

Không chỉ để kiếm thu nhập, việc làm thêm còn giúp các bạn sinh viên trải nghiệm thực tế. Những bước đi sớm, tuy không ít khó khăn nhưng lại là điều cần thiết để giúp họ hiểu hơn về bản thân cũng như ngành học mình đã lựa chọn.

Những bước đi đầu tiên

Không đợi đến lúc tốt nghiệp mới đi làm, các bạn sinh viên chủ động tìm kiếm việc làm vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Người thì để có thêm thu nhập, để cọ xát thực tế, người đơn giản hơn là muốn thử sức trong lĩnh vực mình theo đuổi…

Với Thân Vũ Hy (SN 2005, xã Cửu An, sinh viên lớp Văn học K46, Trường Đại học Quy Nhơn), việc trở thành gia sư từ năm thứ nhất là bước ngoặt. Từng làm phục vụ, nhặt bóng ở sân bóng tennis để kiếm tiền sinh hoạt, Hy chuyển sang dạy học khi được thầy cô gợi ý: “Muốn theo sư phạm thì nên đi dạy thêm để rèn nghề và hiểu học sinh”.

 Thân Vũ Hy chăm chú giảng bài cho học sinh. Ảnh: D.L

Thân Vũ Hy chăm chú giảng bài cho học sinh. Ảnh: D.L

Từ đó, Hy bắt đầu làm gia sư cho học sinh cấp tiểu học, THCS. Đây là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, kỹ năng giao tiếp và khả năng quản lý lớp học. Ban đầu, Hy chủ yếu tìm lớp qua các nhóm gia sư trên Facebook, rồi kết nối thêm với các trung tâm để ổn định nguồn học sinh. Hiện tại, Hy đang dạy 4 học sinh, đồng thời cộng tác với các trung tâm gia sư để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Hy chia sẻ: “Khi đi dạy, tôi mới nhận ra rằng: Không chỉ cần giỏi môn học, mà còn phải biết trò chuyện với học sinh, giữ kỷ luật lớp, hiểu tâm lý từng em. Những kỹ năng đó được tích lũy dần qua từng buổi lên lớp. Tôi cũng mạnh dạn hơn khi trao đổi với thầy cô, thuyết trình trước lớp”.

Cũng theo ngành Sư phạm, Lê Công Đức (SN 2005, phường An Khê, sinh viên lớp Sư phạm Khoa học tự nhiên K46, Trường Đại học Quy Nhơn) bắt đầu từ việc nhận dạy các môn tự nhiên cho học sinh THCS. Không có nhiều mối quan hệ, Đức nhờ người thân kết nối để có những học sinh đầu tiên.

“Lúc đầu, tôi hơi run và lo lắng, vì không biết học sinh có hợp tác không, phụ huynh có hài lòng không. Nhưng cứ kiên trì, chuẩn bị bài kỹ, tôi tự tin dần và luôn nhờ học sinh lẫn phụ huynh góp ý để kịp thời khắc phục điểm chưa tốt và phát huy những điểm mạnh”-Đức kể.

Với sinh viên các ngành nghề khác, việc làm thêm đúng chuyên ngành cũng mở ra nhiều cơ hội trải nghiệm mới. Tô Hồng Ánh (SN 2004, phường Quy Nhơn Nam, sinh viên lớp MK18B, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học FPT Quy Nhơn) là trường hợp như vậy. Từ tháng 10.2023, Ánh bắt đầu cộng tác với kênh TikTok “Ăn Uống Gì Nào?” với vai trò VJ kiêm viết nội dung, quay - dựng video.

 Tô Hồng Ánh ngày càng tự tin hơn khi quay clip review. Ảnh: D.L

Tô Hồng Ánh ngày càng tự tin hơn khi quay clip review. Ảnh: D.L

Ánh “bật mí”: “Lúc mới làm, tôi khá bỡ ngỡ vì chưa quen với việc đứng trước ống kính. Mỗi lần ghi hình đều thấy lúng túng, phải quay đi quay lại vài lần mới ổn. Tôi cũng học cách lên kịch bản cho từng clip, làm quen với cách dựng video. Nhiều lúc cũng nản, nhưng rồi mình tự nhủ phải kiên nhẫn và thử từng chút một. Nhờ vậy mà dần dần mình cũng quen hơn, bớt sợ máy quay và biết cách xử lý tình huống tốt hơn”.

Hiểu nghề, hiểu mình

Thời gian đầu, việc vừa học vừa làm khiến các bạn sinh viên khá vất vả, nhất là trong việc quản lý thời gian và duy trì động lực. Nhưng càng làm, họ càng trưởng thành hơn, từ cách làm việc đến ứng xử. Quan trọng nhất, những trải nghiệm ấy ít nhiều giúp sinh viên hiểu nghề, hiểu mình, bớt ngỡ ngàng trước khi chính thức tham gia vào thị trường lao động.

Thân Vũ Hy cho biết: Nhờ hơn một năm đứng lớp, Hy nhận ra mình yêu thích ngành Sư phạm và xác định rõ sẽ theo đuổi việc giảng dạy. Hy đã lên kế hoạch dành dụm kinh phí để sau tốt nghiệp sẽ học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và học lên bậc cao học.

“Có trải nghiệm thực tế, tôi mới thấy được mặt khó của nghề và cũng nhận ra điều gì khiến mình gắn bó. Tôi còn tìm hiểu thêm về các phương pháp dạy học sáng tạo, dạy học qua hoạt động… để làm mới bài giảng”-Hy nói.

Cũng giống Hy, Đức đã có cơ hội rèn luyện nhiều kỹ năng mềm không dễ có trong giảng đường: Từ giao tiếp với phụ huynh, xử lý tình huống trong lớp đến quản lý thời gian giữa học và dạy.

Từ những trải nghiệm cá nhân, Đức khẳng định: “Làm thêm đúng chuyên ngành là cách thiết thực để tôi kiểm chứng lựa chọn của bản thân. Trong quá trình làm việc, chúng tôi sẽ có cái nhìn thực tế hơn về nghề nghiệp, từ đó củng cố đam mê hoặc kịp thời điều chỉnh hướng đi cho phù hợp”.

Bên cạnh đó, việc thực hiện song song giữa “học” với “hành” còn mang lại hiệu quả khi bổ trợ cho nhau, giúp sinh viên hoàn thiện mình. Theo Hồng Ánh, việc làm reviewer đã giúp cô nắm chắc lý thuyết đã học và linh hoạt áp dụng vào thực tế.

“Mỗi lần lên nội dung, tôi phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm, xu hướng tiêu dùng. Nhờ vậy, các bài thuyết trình nhóm trên lớp cũng thuyết phục và có dữ liệu cụ thể hơn. Tôi học được cách nói chuyện cuốn hút, gãy gọn - điều mà ngành Marketing rất cần. Ngược lại, nhờ được học các kiến thức nền tảng ở trường, tôi có thể áp dụng vào công việc của mình”.

Một lợi ích khác của việc làm thêm đúng chuyên ngành là rút ngắn khoảng cách với nghề nghiệp tương lai. Trần Minh Duy (SN 2005, phường Quy Nhơn Bắc) là trường hợp như vậy. Duy đã làm việc tại Công ty TNHH VTN Media Solutions (công ty chuyên về công nghệ thông tin ở phường Quy Nhơn) hơn 2 năm nay, dù mới tốt nghiệp chỉ 1 năm trước.

 Trần Minh Duy (bìa trái) thảo luận công việc với đồng nghiệp tại công ty. Ảnh: D.L

Trần Minh Duy (bìa trái) thảo luận công việc với đồng nghiệp tại công ty. Ảnh: D.L

Duy “bật mí” rằng bản thân vừa mạnh dạn nhận làm dự án lập trình từ xa, vừa tự học, nâng cao trình độ ở nhiều lĩnh vực (như hỗ trợ phần mềm máy tính, quản trị và lập trình website…) ngay khi học năm thứ nhất tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Quy Nhơn.

“Tôi thấy mình may mắn vì bắt đầu sớm. Lúc xin việc, tôi không gặp khó khăn gì vì đã có sản phẩm thực tế, có kinh nghiệm. Quan trọng hơn là thấy rõ mình phù hợp với môi trường nào, muốn đi theo hướng nào trong ngành IT”-Duy chia sẻ.

DƯƠNG LINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/sinh-vien-trai-nghiem-thuc-te-tu-viec-lam-them-post560189.html
Zalo