Siết quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, không bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh.

Sáng 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với kết quả 448/450 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn gồm 8 chương, 55 điều quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: CTTDDT Quốc hội

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: CTTDDT Quốc hội

Có giải pháp ngăn cháy nơi sạc pin cho xe động cơ điện trong nhà

Trước khi biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 20), đối với nhà ở tại các khu vực đô thị có mật độ dân cư rất cao, chật chội, trong ngõ, hẻm sâu, chủ yếu là ở các thành phố lớn (thành phố trực thuộc trung ương), không bảo đảm hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy thì phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định. UBND thành phố trực thuộc Trung ương xác định khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Còn đối với nhà ở tại khu vực khác,khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy. Ngoài ra, nhà ở phải bố trí nơi đặt bếp đun nấu, nơi thờ cúng, đốt vàng mã bảo đảm an toàn; không để vật, chất dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; có phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng; bố trí lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp.

Đối với với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, không bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh; có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí nguy hiểm về cháy, nổ phù hợp với công năng, đặc điểm của nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.

Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải được ngăn cháy với lối thoát nạn của khu vực để ở.

Dự thảo Luật quy định phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất, trong đó có quy định chỉ được sử dụng thiết bị sạc điện cho xe động cơ điện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nơi sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà phải có giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy. Khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà phải có giải pháp ngăn cháy và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn.

Không bổ sung quy định về người dân chịu một phần kinh phí về công tác chữa cháy

Về nguồn tài chính và ngân sách Nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 49 và Điều 50), Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình phải chịu một phần kinh phí về công tác chữa cháy khi lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình theo quy định của pháp luật. Có ý kiến giao Chính phủ quy định mức phí cụ thể trong từng trường hợp.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, công tác chữa cháy là một nội dung trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, được Nhà nước bảo đảm ngân sách thực hiện đối với các lực lượng theo quy định của pháp luật.

Khi xảy ra cháy, nổ thì cơ quan, tổ chức, gia đình đã phải chịu thiệt hại nhất định về người và tài sản, nếu bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình đó phải chịu một phần kinh phí khi lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình sẽ gia tăng khó khăn cho người dân sau khi đã bị thiệt hại về người, tài sản trong vụ cháy.

Vì vậy, để phù hợp với quy định của pháp luật về an ninh, trật tự và thể hiện tính nhân văn trong quy định của pháp luật, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình chịu một phần kinh phí về công tác chữa cháy khi lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/siet-quy-dinh-ve-phong-chay-doi-voi-nha-o-ket-hop-san-xuat-kinh-doanh-36116.html
Zalo