Siết kê đơn để chống lạm dụng thuốc
Thông tư 26/2025/TT-BYT mới được Bộ Y tế ban hành bổ sung hàng loạt quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, đặc biệt đối với kháng sinh và thuốc đặc trị. Trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ lạm dụng kháng sinh cao, việc siết chặt kê đơn không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật mà còn là biện pháp chống kháng thuốc – thách thức y tế toàn cầu.
Từ đơn thuốc đến trách nhiệm phòng, chống kháng kháng sinh
GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam nhận định: “Tình trạng kháng kháng sinh đang trở nên nguy hiểm hơn cả ung thư. Có những ca bệnh phải sử dụng kháng sinh thế hệ 3, thế hệ 4, chi phí điều trị tăng gấp 5 – 10 lần nhưng vẫn không cứu được người bệnh vì vi khuẩn đã kháng với hầu hết thuốc hiện có”.
Cảnh báo ấy không chỉ mang tính học thuật. Nó phản ánh một thực trạng đã kéo dài nhiều năm tại Việt Nam: lạm dụng kháng sinh, kê đơn sai chỉ định, và tự ý điều trị như “bác sĩ tại gia”.

Bác sĩ theo dõi đơn thuốc điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC
Theo TS Angela Pratt – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nguyên nhân xuất phát từ ba yếu tố chính: thuốc kháng sinh dễ mua ngoài hiệu thuốc, bác sĩ kê đơn chưa chuẩn mực, và người dân tự ý dùng thuốc khi chưa có chẩn đoán xác định. Kháng sinh không phải là thuốc hạ sốt, không phải thuốc cảm cúm, nhưng rất nhiều người vẫn dùng như thuốc thông thường.
Bên cạnh đó, không ít người giữ lại đơn thuốc cũ, sử dụng lại trong những lần sau khi có triệu chứng tương tự, bất chấp diễn biến bệnh thay đổi hoặc kháng sinh đó không còn phù hợp. Có người truyền dịch tại nhà, tự tiêm kháng sinh mà không theo dõi dấu hiệu sốc phản vệ. Gần đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nữ bị nhiễm cúm A bội nhiễm, suy hô hấp nặng sau khi tự ý dùng thuốc không rõ thành phần trong suốt 5 ngày liên tiếp mà không đến bệnh viện.
Chính trong bối cảnh này, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 26/2025/TT-BYT, thay thế cho Thông tư 52/2017, với mục tiêu rõ ràng: siết lại hoạt động kê đơn, đặc biệt trong điều trị ngoại trú. Theo quy định mới, mỗi đơn thuốc phải ghi đầy đủ, rõ ràng tên thuốc, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, số lượng, số lần sử dụng trong ngày và thời gian điều trị. Đặc biệt, bác sĩ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp lý và an toàn của đơn thuốc, không được kê thuốc ngoài danh mục hoặc không theo phác đồ.
Điểm mới quan trọng là việc mở rộng phạm vi giám sát kê đơn đến tận tuyến xã, nơi lâu nay hoạt động kê đơn – cấp phát thuốc vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân và giấy tờ thủ công. Khi một bệnh nhân tại vùng sâu, vùng xa cũng được yêu cầu có đơn thuốc đúng mẫu, minh bạch, việc lạm dụng kháng sinh mới có cơ hội được kiểm soát triệt để hơn.
Kê đơn kết nối dữ liệu – giải pháp công nghệ cho y tế minh bạch
Từ ngày 1/10/2025, toàn bộ hoạt động kê đơn điều trị ngoại trú tại Việt Nam sẽ phải chuyển sang hình thức kê đơn điện tử. Đây là bước đi được Bộ Y tế xác định là không thể trì hoãn, nhằm tiến tới quản lý đơn thuốc theo hướng hiện đại, minh bạch, chống lạm dụng và hướng tới y tế số toàn dân. Theo quy định, đơn thuốc điện tử sẽ được kết nối với mã định danh cá nhân, liên thông với hệ thống quản lý thuốc, nhà thuốc và cả dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Ông Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Một trong những bất cập lớn nhất hiện nay là nhiều đơn thuốc chưa ghi đầy đủ, rõ ràng các thông tin như tên thuốc, liều dùng, số lần uống trong ngày, thời gian điều trị. Người bệnh, nhất là người cao tuổi, thường không nhớ hoặc hiểu sai chỉ định của bác sĩ, dẫn tới dùng thuốc không đúng cách, gây biến chứng hoặc mất hiệu quả điều trị.
Với hệ thống kê đơn điện tử, bác sĩ bắt buộc phải điền đầy đủ thông tin, hệ thống sẽ tự động kiểm tra và cảnh báo khi có dấu hiệu sai sót.
Thay vì mang theo sổ khám bệnh truyền thống, người bệnh sẽ được lưu toàn bộ lịch sử khám, điều trị và kê đơn trên hệ thống. Khi đến bất kỳ cơ sở y tế nào, bác sĩ có thể truy cập nhanh vào hồ sơ bệnh án, đánh giá diễn biến điều trị, tránh tình trạng lặp lại thuốc, dùng sai kháng sinh hoặc bỏ sót bệnh nền nguy hiểm. Điều này có ý nghĩa đặc biệt với người mắc bệnh mạn tính hoặc điều trị dài ngày.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng bổ sung quy định yêu cầu bác sĩ không được kê thuốc nằm ngoài danh mục được phê duyệt, hoặc không phù hợp với chẩn đoán. Điều này nhằm tránh tình trạng “kê cho chắc”, “kê theo yêu cầu”, đồng thời làm rõ trách nhiệm chuyên môn và pháp lý của người kê đơn.
“Một đơn thuốc không thể chỉ là tờ giấy chuyển tải mong muốn của bệnh nhân, mà phải là quyết định lâm sàng có trách nhiệm, dựa trên bằng chứng khoa học và phác đồ điều trị” - ông Dương khẳng định.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đồng bộ kê đơn điện tử vẫn còn không ít thách thức. Nhiều cơ sở y tế tuyến cơ sở chưa có hệ thống phần mềm tương thích; nhân lực y tế chưa được đào tạo bài bản; người dân ở vùng khó khăn còn xa lạ với khái niệm mã định danh, tra cứu hồ sơ điện tử.
Trước thực trạng đó, Bộ Y tế cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho y tế cơ sở, bảo đảm không để “vùng trũng” về chuyển đổi số xuất hiện trong hệ thống y tế. Các cơ sở được khuyến khích sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh miễn phí, có khả năng kết nối liên thông với nền tảng chung của ngành. Việc kê đơn điện tử không chỉ là công cụ hành chính, mà còn là cơ sở quan trọng để người dân chủ động theo dõi quá trình điều trị, nâng cao khả năng kiểm soát đơn thuốc và quyền được biết của người bệnh.
Một điểm sáng trong bức tranh này là vai trò ngày càng được khẳng định của các dược sĩ tại nhà thuốc. Không chỉ là người bán thuốc, dược sĩ giờ đây còn là “bộ lọc” cuối cùng để kiểm soát đơn thuốc. Tại nhiều nhà thuốc lớn, nhân viên đã quen với việc từ chối bán kháng sinh không đơn, hướng dẫn khách hàng quay lại cơ sở y tế để được kê đơn hợp lệ. Theo ông Dương, nếu quy định kê đơn minh bạch và hệ thống giám sát hoạt động hiệu quả, người dân sẽ dần thay đổi nhận thức và hành vi, tiến tới sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.