Siết chặt việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng phương án cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong nhà trường, kể cả trong giờ ra chơi hay các hoạt động giáo dục, trừ khi được giáo viên cho phép. Nếu được thông qua, phương án này sẽ triển khai ngay từ năm học 2025-2026.

Triển lãm Trang vẽ học sinh với chủ đề sắc màu tại Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, giúp các em có thêm cơ hội gắn kết, giao lưu, tương tác với bạn bè, thầy cô giáo nhiều hơn.

Triển lãm Trang vẽ học sinh với chủ đề sắc màu tại Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, giúp các em có thêm cơ hội gắn kết, giao lưu, tương tác với bạn bè, thầy cô giáo nhiều hơn.

Đi kèm là yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao trong giờ ra chơi, hướng tới môi trường học đường năng động, kết nối, lành mạnh.

Đề xuất nêu trên thu hút sự chú ý, nhận được sự đồng thuận rộng rãi từ xã hội. Bởi không phải đến bây giờ, vấn đề học sinh sử dụng điện thoại trong trường học mới được đặt ra. Nhiều năm qua, không ít nhà trường, phụ huynh, chuyên gia giáo dục đã cảnh báo về hệ lụy khi điện thoại trở thành “bạn đồng hành” thường trực của học sinh, cả trong lớp học lẫn giờ nghỉ ngơi.

Không phủ nhận rằng, điện thoại có thể hỗ trợ học tập trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt chẽ, thiết bị này sẽ trở thành yếu tố gây xao nhãng, làm giảm sự tập trung trong học tập, hạn chế tương tác trực tiếp và dần hình thành lối sống lệ thuộc vào không gian ảo. Một nghiên cứu của UNESCO ở 14 quốc gia cho thấy, việc sử dụng điện thoại trong lớp học làm giảm đáng kể hiệu quả học tập và gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, tâm lý của học sinh.

Thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều trường học đã chủ động thực hiện chủ trương cấm sử dụng điện thoại trong lớp học và bước đầu ghi nhận kết quả tích cực. Một số trường như: Trung học cơ sở Lê Văn Tám, Trung học phổ thông Trường Chinh, Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)... đã cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường. Kết quả cho thấy, học sinh tập trung hơn trong giờ học, tương tác tốt hơn với bạn bè trong giờ ra chơi, tình bạn gắn kết hơn, môi trường học tập lành mạnh hơn.

Điện thoại thông minh với nhiều chức năng giải trí dễ cuốn hút, khiến học sinh sa vào thế giới mạng, mạng xã hội và trò chơi trực tuyến. Lâu dần, các em phụ thuộc vào công nghệ, mất dần khả năng giao tiếp thực tế, hình thành lối sống thu mình, bị động, thiếu cảm xúc. Đó là nguy cơ âm thầm nhưng không kém phần nghiêm trọng, ảnh hưởng sự phát triển nhân cách, tâm lý lứa tuổi học trò.

Việc cấm điện thoại trong trường học không phải là hành động “lạc hậu” hay “chống lại xu hướng số hóa”, mà là bước đi đúng đắn để giữ gìn môi trường giáo dục trong sáng, nơi học sinh được sống thật, học thật, kết nối thật. Đó là nơi không gian công nghệ cần được đặt đúng vị trí, phục vụ con người chứ không chi phối con người.

Nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Đan Mạch, Hy Lạp… đã ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng điện thoại trong trường học. Các mô hình giáo dục tiên tiến đều chú trọng xây dựng môi trường học tập không bị chi phối bởi thiết bị cá nhân, để học sinh phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn tâm hồn.

Với hơn 2,6 triệu học sinh, đông nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò tiên phong trong việc xây dựng nền giáo dục hiện đại, nhân văn và phù hợp thực tiễn. Cùng với việc cấm điện thoại, việc tổ chức các hoạt động tập thể, thể dục thể thao, nghệ thuật, kỹ năng sống… trong giờ ra chơi cũng là cách để học sinh được vận động, thư giãn, gắn kết với nhau nhiều hơn, thay vì chỉ lặng lẽ lướt điện thoại.

Cấm điện thoại trong trường học là cần thiết, nhưng cần thực hiện với tinh thần thuyết phục, hướng dẫn cụ thể, tạo đồng thuận giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Quan trọng hơn cả là giúp học sinh hiểu rằng: Nhà trường không cấm sự phát triển, mà đang mở lối cho sự trưởng thành đúng nghĩa.

Trong bối cảnh hiện nay, giữ gìn môi trường học đường lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ không thể chậm trễ. Và một trong những việc cần làm ngay là đặt giới hạn hợp lý cho những công cụ công nghệ để trường học trở về đúng nghĩa là nơi gieo mầm tri thức và nhân cách.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/siet-chat-viec-hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-trong-truong-post894462.html
Zalo