Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm từ cơ sở
Lâu nay, dù cấp xã đã được phân quyền, song công tác quản lý an toàn thực phẩm tại cơ sở vẫn còn nhiều bất cập, do thiếu kinh phí và cán bộ, công chức có chuyên môn phù hợp. Sau khi cấp xã mới đi vào vận hành, mỗi địa phương cần ưu tiên quan tâm, chú trọng công tác này, nhất là khi tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm giả ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo quy định của Bộ Y tế, cấp xã có trách nhiệm quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ, bao gồm các cơ sở có quy mô kinh doanh dưới 50 suất ăn/lần phục vụ và các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, công tác quản lý, giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) ở cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, như: Số lượng cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố nhiều, nhưng đều nhỏ lẻ; công cụ, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra vệ sinh ATTP chưa được đầu tư tương xứng. Trong khi đó, ở cấp xã cũ trước đây, công tác kiểm tra vệ sinh ATTP thường do công chức văn hóa xã hội kiêm nhiệm. Vì vậy, công tác kiểm tra ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chưa thường xuyên, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Từ năm 2024 đến nay, một số ca ngộ độc thực phẩm tập thể trên địa bàn tỉnh đều liên quan đến các cơ sở kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ và thức ăn đường phố.

Một cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn phường Cẩm Thành thu hút thực khách là học sinh. Ảnh: Đ.Y
Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP từ cơ sở, cấp xã mới cần quan tâm, bố trí nguồn lực cho công tác này. Trong đó, cần ưu tiên bố trí nhân lực có trình độ chuyên môn về ATTP và kinh phí trang bị các thiết bị phục vụ kiểm tra ATTP, chẳng hạn như: Thiết bị test nhanh hàn the, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm tra chất lượng thực phẩm. Cùng với đó, các địa phương cần dành kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện môi trường các khu vực công cộng như chợ, bến xe, cổng trường, khu vực vui chơi giải trí; tập huấn kiến thức về ATTP cho các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Siết chặt quản lý ATTP từ cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, cần làm ngay của chính quyền cấp xã mới, nhằm hạn chế tối đa tác hại do mất vệ sinh, ATTP gây ra cho đời sống, sức khỏe cộng đồng. Nhất là khi, tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ len lỏi vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ngày càng diễn biến phức tạp. Như mới đây, Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo về nguy cơ một số cơ sở sử dụng dầu nhập khẩu phục vụ thức ăn chăn nuôi rồi “phù phép” thành dầu chế biến thực phẩm cho người. Dầu ăn giả này đã len lỏi vào nhiều bếp ăn, hàng quán khắp nơi.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, trên phạm vi cả nước, các ngành chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ kinh doanh thực phẩm đông lạnh, gồm sụn gà, kê gà, trứng gà non, nội tạng heo, thịt bò... không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với quy mô tính bằng hàng chục tấn.