Siết chặt an toàn đường thủy, không cấp phép cho tàu rời bến khi bão số 3 áp sát

Cục Hàng hải và Đường thủy VN yêu cầu các cảng vụ hàng hải, đường thủy nội địa khuyến cáo tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm của thiên tai, yêu cầu thuyền trưởng phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và hàng hóa.

Khuyến cáo doanh nghiệp cảng tạm dừng làm hàng từ chiều 20/7

Để chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (tên quốc tế Wipha), Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam yêu cầu Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Đài Thông tin duyên hải phát cảnh báo bão số 3 trên biển Đông cho các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động tránh trú an toàn.

Hướng di chuyển của bão số 3 cập nhật chiều 20/7. Nguồn: NCHMF.

Hướng di chuyển của bão số 3 cập nhật chiều 20/7. Nguồn: NCHMF.

Các Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cần kịp thời phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã xây dựng, điều động tàu, thuyền đến khu neo đậu tránh, trú bão.

Các cảng vụ thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của cơn bão số 3 trên biển Đông để hướng dẫn cho tàu thuyền tránh đi vào khu vực nguy hiểm. Trường hợp tàu thuyền rời cảng, khuyến cáo cho tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm của thiên tai, đặc biệt lưu ý đối với các tàu biển mang cấp hạn chế 3 và phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13h ngày 20/7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,9°N; 113,4°E, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 630km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118–133km/h), giật cấp 15. Bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20–25km/h.

Dự báo đến 13h ngày 21/7: Bão ở khoảng 20,8°N; 108,9°E, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ. Cường độ cấp 11–12, giật cấp 15.

Đến 13h ngày 22/7, bão ở khoảng 20,2°N; 106,6°E, trên vùng ven biển Quảng Ninh – Thanh Hóa. Cường độ cấp 10–11, giật cấp 14. Đến 13h ngày 23/7: Trên khu vực Thượng Lào, suy yếu dần thành vùng áp thấp.

Đồng thời, triển khai các đoàn công tác đi kiểm tra trụ sở, cơ sở dịch vụ, kho bãi, nhà xưởng và các công trình..., phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chỉ đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải trong công tác phòng, chống thiên tai tại vùng nước cảng biển do cảng vụ hàng hải quản lý.

Riêng với Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, cần khuyến cáo các doanh nghiệp cảng tạm dừng hoạt động làm hàng trước 19 giờ ngày 20/7 để các tàu và doanh nghiệp cảng kịp thời triển khai phương án phòng, chống thiên tai hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn cho người, tài sản, phương tiện trong hoạt động phòng, chống thiên tai.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam được yêu cầu chỉ đạo các Trung tâm khu vực duy trì lực lượng và phương tiện để sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu. Trung tâm phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN của địa phương để triển khai phương án phòng chống thiên tai theo quy định.

Không cấp phép cho phương tiện thủy vào, rời cảng bến trong thời gian ảnh hưởng của bão

Các cảng vụ cần cập nhật diễn biến của cơn bão số 3 trên Biển Đông để hướng dẫn cho tàu thuyền tránh đi vào khu vực nguy hiểm (Ảnh minh họa).

Các cảng vụ cần cập nhật diễn biến của cơn bão số 3 trên Biển Đông để hướng dẫn cho tàu thuyền tránh đi vào khu vực nguy hiểm (Ảnh minh họa).

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão có thể gây ra mưa lớn, nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cũng có công điện đề nghị các cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các đơn vị sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mọi diễn biến thiên tai, đảm bảo giao thông đường thủy thông suốt và có biện pháp bảo vệ các công trình, kho tàng, nhà cửa, phương tiện, báo hiệu để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại gây ra.

Các đơn vị cần chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư sẵn sàng xử lý sự cố gây ách tắc trên luồng, tuyến đường thủy nội địa.

Ban An toàn giao thông, Sở Xây dựng các tỉnh khu vực miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ được đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam trong công tác ứng phó bão số 3 và tập trung ứng phó tình hình mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền, hướng dẫn đến các doanh nghiệp vận tải thủy thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến của bão, tình hình khí tượng thủy văn, vị trí neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách, vận tải hành khách ngang sông, hoạt động chở khách của các phương tiện thủy dân sinh trên địa bàn.

Chi cục Hàng hải và Đường thủy phía Bắc cần có phương án bảo đảm an toàn hoặc thu hồi, bảo quản các đèn báo hiệu, biển hiệu, phao báo hiệu và phụ kiện; kịp thời triển khai lại hệ thống báo hiệu ngay sau bão, lũ.

Công tác kiểm tra, rà soát phao neo, trụ neo, báo hiệu khu vực neo đậu cho tàu, thuyền tránh trú bão, lũ trên tuyến đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý cần được triển khai. Cùng đó, bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo sẵn sàng ứng cứu.

Chi cục có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan yêu cầu các phương tiện neo đậu gần các cầu vượt sông di dời đến vị trí an toàn, tuyệt đối không để các phương tiện đâm va vào các công trình vượt sông, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được giao quản lý.

Ngoài ra, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chuẩn bị triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công tác điều tiết hướng dẫn giao thông, chống va trôi, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình cầu vượt sông tại những vị trí trọng yếu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia được giao.

Cũng có trách nhiệm tương tự, Cục Hàng hải và Đường thủy VN yêu cầu các Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I, II không cấp phép cho phương tiện thủy nội địa rời cảng, bến trong thời gian, phạm vi ảnh hưởng của bão. Yêu cầu thuyền trưởng, người lái phương tiện hoặc chủ phương tiện phải có biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và hàng hóa.

Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương, chủ cảng, bến thủy nội địa tổ chức trực, bố trí phao, báo hiệu thông báo những vị trí bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở đối với cảng, bến thủy nội địa...

Kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện trên đường thủy nội địa.

Đồng thời, yêu cầu chủ cảng, bến có phương án phòng chống thiên tai, bố trí nơi neo đậu phương tiện trong thời gian ảnh hưởng của bão để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Hoàng Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/siet-chat-an-toan-duong-thuy-khong-cap-phep-cho-tau-roi-ben-khi-bao-so-3-ap-sat-192250720165106164.htm
Zalo