Sẽ làm 'sống lại' những dòng sông của Thủ đô
Những mét khối nước thải đầu tiên đã được thu gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để các thiết bị chạy vận hành thử nghiệm trong 6 tháng. Với việc nước thải sinh hoạt hai bờ sông Tô Lịch được thu gom đưa về xử lý mang đến kỳ vọng cải thiện môi trường cho các dòng sông đang ô nhiễm nghiêm trọng tại Thủ đô.
Đảm bảo tiến độ thi công
Câu chuyện “giải cứu” những dòng sông ở Hà Nội đã được bàn không ít lần, cả trong hội thảo lẫn trên diễn đàn của Hội đồng nhân dân Thành phố, thậm chí là tại diễn đàn Quốc hội. Nhiều đề án, dự án đã, đang được tiến hành. Ví dụ: Đối với sông Tô Lịch, bắt đầu từ năm 2008, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thử nghiệm việc dùng nước hồ Tây để cải thiện nước cho con sông này.
Từ đó đến nay, nhiều dự án làm sạch nước đã được triển khai trên sông Tô Lịch như tạo bè thủy sinh, xây dựng cống bao... Tuy nhiên, với việc mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000m3 nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp qua hàng trăm ống xả thải trực tiếp, tới nay, nước sông Tô Lịch vẫn chưa thể chuyển màu từ đen sang xanh. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Nhuệ. Kết quả mang lại khó có thể nói là khả quan khi người dân nơi đây vẫn kêu trời và phải “sống mòn” cùng ô nhiễm.
Để khắc phục tình trạng này, thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ mới về xử lý ô nhiễm môi trường nước trên hệ thống hồ, ao; phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải nhằm từng bước làm “sống lại” các dòng sông lớn, như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Tích… Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý nước thải theo hướng nước thải phải được thu gom, xử lý ngay tại đầu nguồn.
Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xử lý nước thải Yên Xá là một trong những dự án trọng điểm của Thành phố được khởi công xây dựng từ năm 2019 nhằm cải thiện môi trường cho các con sông quan trọng của Thủ đô. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16.293 tỷ đồng, bao gồm 4 gói thầu chính với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt hiện đang đổ thải trực tiếp xuống các dòng sông của Hà Nội và một phần các khu đô thị mới của quận Hà Đông, từ đó góp phần cải thiện môi trường cho sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét. Dự án có phạm vi thu gom nước thải sinh hoạt rất lớn với tổng công suất lên tới 270.000m3/ngày đêm, gần bằng tổng công suất 276.300m3/ngày đêm của cả 6 trạm/nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung trên địa bàn Hà Nội đã được đầu tư xây dựng, vận hành chính thức trước đó.
Theo báo cáo từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội, hiện, gói thầu số 1 đã hoàn thành gần 100% khối lượng công việc với các hạng mục đường giao thông nội bộ và hoàn thiện trạm quan trắc, chạy thử nghiệm các thiết bị để làm cơ sở vận hành thử. Gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cũng dự kiến “về đích” sớm hơn mục tiêu đề ra (tháng 3/2025) với khối lượng công việc hoàn thiện đạt khoảng 98%, với các tuyến ống thu gom đã cơ bản hoàn thành, chỉ chờ hoàn thiện mặt bằng để bàn giao. Về tiến độ thực hiện gói thầu số 3 và 4, hiện chủ đầu tư và nhà thầu đang tập trung giải quyết các vướng mắc để tiếp tục triển khai thi công, đảm bảo kế hoạch đưa toàn bộ dự án vào vận hành trong năm 2025.
Bám sát các tiến độ
Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, tỷ lệ nước thải của người dân Hà Nội được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn khu vực đô thị đạt 28,8%, với tổng công suất 267.300m3/ngày đêm. Khi dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ nâng tổng công suất xử lý nước thải đô thị lên 537.000m3/ngày đêm, đạt khoảng 50% lượng nước thải hằng ngày. Do đó, phải khẳng định dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá rất quan trọng đối với việc xử lý môi trường của Hà Nội.
Tuy vậy, như đã nói ở trên, hiện mới có gói thầu số 1 là xây dựng nhà máy xử lý nước thải đã cơ bản hoàn thành, còn hệ thống thu gom nước thải có 3 gói thầu, thì mới “thu gom” được ở gói số 2. Do đó, Thành phố cần chỉ đạo để các nhà thầu thi công gói thầu số 3, số 4 đẩy nhanh tiến độ thi công, về đích đúng thời hạn. Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả vận hành, các cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng có phương án xây dựng nhà máy xử lý bùn thải, xây dựng và ban hành đơn giá xử lý nước thải để tổ chức đấu thầu, vận hành nhà máy xử lý nước thải hiệu quả ngay sau khi bàn giao.
Rõ ràng, việc đưa vào vận hành thử nghiệm nhà máy xử lý nước thải Yên Xá dù mới trong giai đoạn vận hành “thử nghiệm” 6 tháng nhưng cũng sẽ góp phần cải thiện rõ nét môi trường cho các dòng sông đang ô nhiễm nghiêm trọng tại Thủ đô, đặc biệt là sông Tô Lịch. Song, để làm “sống lại” các dòng sông, cùng với các giải pháp đang triển khai, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; phê phán và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước, xả rác phế thải, dầu mỡ… những tác nhân chính gây ô nhiễm cho các dòng sông.
Cần khẳng định, việc cải tạo, hồi sinh các dòng sông ô nhiễm ở nội thành Hà Nội không phải là bài toán một sớm, một chiều, mà cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của Thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông...
Bên cạnh đó, Thành phố cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, trạm xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp, làng nghề bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế... trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.
Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ (2013-2025) nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ. Bằng việc đầu tư phát triển hệ thống thoát nước để thu gom và xử lý lượng nước thải do hoạt động của con người sinh ra, dự án góp phần nâng cao khả năng phát triển bền vững cho Thủ đô.