Sẽ giảm nhiều bộ, cơ quan… sau 'cuộc cách mạng' về tinh gọn bộ máy
Theo phương án nghiên cứu, sắp xếp đối với các cấp ủy, tổ chức đảng; cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN)… do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày, số lượng các bộ, cơ quan... sẽ giảm nhiều so với hiện tại sau 'cuộc cách mạng' về tinh gọn bộ máy.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết 18).
Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 gồm 29 đồng chí, do đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban, tất cả các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư đều tham gia cùng một số đồng chí Ủy viên Trung ương phụ trách các ngành, lĩnh vực trực tiếp liên quan đến công tác tổ chức bộ máy, cán bộ. Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 đã ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên, thành lập Tổ Biên tập.
Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 56-NQ/TW, ngày 25/11/2024, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18. Về nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu tổng kết Nghị quyết 18, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Bộ Chính trị xác định việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, chống lãng phí…Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nhấn mạnh, về các vấn đề chung: Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, đảng đoàn trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Tư pháp, các bộ, các cơ quan Nhà nước, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng lập các đảng bộ.
Nghiên cứu, đề xuất giải thể, sáp nhập, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; giảm tầng nấc trung gian.
Nghiên cứu tổ chức lại hoạt động của các báo, tạp chí, truyền hình, cổng thông tin điện tử... của các ban đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương
Đề cập đến một số nội dung gợi ý, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết: Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương.
Nghiên cứu, kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương: chuyển các nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao; một phần công việc về Văn phòng Trung ương Đảng.
Nghiên cứu, kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế và một số bệnh viện Trung ương.
Nghiên cứu, đề xuất chuyển chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động các tạp chí của các ban đảng Trung ương, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Tạp chí Cộng sản. Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Báo Nhân Dân.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Báo Nhân Dân chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế; tập trung xây dựng Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Trung ương, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tập trung vào báo in, báo điện tử để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chỉ cho các hoạt động.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, lập Đảng bộ các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp Trung ương trực thuộc Trung ương; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Văn phòng Trung ương Đảng.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương: chuyển các tổ chức đảng ở các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước về trực thuộc Đảng ủy Chính phủ và đảng ủy một số bộ chuyên ngành (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp).
Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và một số đảng bộ trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước (riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay); có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Chính phủ.
Kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng ủy Chính phủ.
Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, lập Đảng bộ Quốc hội trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan thuộc khối Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Quốc hội.
Kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng, lập Đảng bộ Kiểm toán nhà nước trực thuộc Đảng ủy Quốc hội (tương tự Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ).
Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn MTTQVN, Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, lập Đảng bộ MTTQVN trực thuộc Trung ương; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQVN.
Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, lập Đảng ủy ở các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Đảng ủy MTTQVN.
Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, lập đảng bộ, chi bộ ở các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Đảng ủy MTTQVN.
Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho hay: “Thực hiện phương án này, tối thiểu sẽ giảm: 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung tương; tăng 2 đảng ủy trực thuộc Trung ương”.
Giảm 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ
Về phương án nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết: Sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.
Sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số...; chuyển một số nhiệm vụ khác về: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan.
Sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường...; chuyển một số nhiệm vụ khác về các bộ và các cơ quan liên quan.
Kết thúc hoạt động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chuyển nhiệm vụ về: Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan.
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển nhiệm vụ về: Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan.
Chuyển Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc, thành lập Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo.
Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp 2 viện hàn lâm khoa học và 2 đại học quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo.
Nghiên cứu sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các Bộ, trước hết là sắp xếp các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Quản lý thị trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố....; tiếp tục xem xét sắp xếp mô hình tổ chức một số đơn vị bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam. Nghiên cứu, xây dựng, cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp. Nghiên cứu tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí của các bộ, ngành.
Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, thực hiện phương án này, tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Đối với một số cơ quan của Quốc hội, UBTVQH, phương án nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động theo hướng: Sáp nhập Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Sáp nhập Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Sáp nhập Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.
Đồng thời, kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại: chuyển các nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao, các ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện.
Nghiên cứu tinh gọn mô hình Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và Ban Thư ký Quốc hội; nghiên cứu chuyển các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Ủy ban của Quốc hội, các ban của UBTVQH.
Kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu Lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và UBTVQH.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Đảng đoàn Quốc hội chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.
Không bố trí chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các ủy ban của Quốc hội có Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, phương án này sẽ giảm được 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc UBTVQH.
Đối với MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, phương án nghiên cứu, đề xuất là: Rà soát lại tất cả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Rà soát, sắp xếp lại các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số báo, tạp chí không thật sự cần thiết./.
Đối với địa phương, phương án nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, ban chỉ đạo của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tương tự như ở Trung ương.
Cấp tỉnh nghiên cứu kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy khối cấp tỉnh, lập 2 đảng bộ trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh gồm: Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp cấp tỉnh và Đảng bộ khối chính quyền cấp tỉnh. Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 2 đảng ủy nêu trên.