Sẽ ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí dự kiến khoảng 98.000 tỷ đồng

Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, với tổng số tiền dự kiến khoảng 98 nghìn tỷ đồng, trong đó có giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Sáng 20/5, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Chính phủ, đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo đánh giá bổ sung tình kinh tế kinh tế xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; tình hình triển khai kế hoạch KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2024.

Tăng trưởng quý I đạt 5,66% là nỗ lực lớn trong bối cảnh khó khăn

Theo báo cáo của Chính phủ, nhìn chung, tình hình KTXH những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. “Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn” - báo cáo khẳng định.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại phiên họp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại phiên họp.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% (so với cùng kỳ năm trước). Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu NSNN đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%.

Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… Phát triển kết cấu hạ tầng KTXH được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia.

Về văn hóa, xã hội, chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193, theo bảng xếp hạng của UNDP. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực. Quý I năm 2024, lực lượng lao động đạt 51,3 triệu người, tăng 174,1 nghìn người và tăng 0,34%; thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549 nghìn đồng.

Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực. Trong đó, Chính phủ đã hoàn thành việc định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5/2024, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024.

Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được triển khai và đạt kết quả bước đầu. Theo đó, tình hình tài chính của ngân hàng đã được cân đối, lỗ lũy kế, nợ có xu hướng giảm. Tính đến ngày 30/4/2024, số lỗ lũy kế đã giảm 20%; nợ xấu tín dụng chịu rủi ro đã giảm 37,7% (giảm 15.000 tỷ). Bộ máy tổ chức đã tinh giản còn 30 đầu mối, giảm 35%.

Ba nhà máy phân đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi. Trong 4 tháng đầu năm, tổng doanh thu của 3 dự án nhà máy phân đạm (Hà Bắc, Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai) đạt 3.937 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 75,2 tỷ đồng; sản phẩm được tiêu thụ toàn bộ, máy móc vận hành ổn định ở công suất cao (trên 90%).

Ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy; Dự án điện khí Lô B - Ô Môn đã được phê duyệt quyết định đầu tư, ký kết hợp đồng mua, bán điện, khí; Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã triển khai tái cấu trúc quản trị, điều hành, tối ưu hóa sản xuất kinh doanh…

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay 1 - 2%

Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ về những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Cụ thể là sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá. Tăng trưởng tín dụng còn thấp, giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn.

Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH năm 2024, Chính phủ đã xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Trong đó, trước hết là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Các động lực tăng trưởng truyền thống, theo báo cáo của Chính phủ, bao gồm: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Các động lực tăng trưởng mới gồm: đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách; liên kết vùng; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng

Chính phủ chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vàng thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trước ngày 15/6/2024; rà soát, sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng, Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước; thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng và báo cáo kết quả trong tháng 5/2024; đồng thời, làm tốt công tác thông tin, truyền thông.

Chính phủ cũng xác định, tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, với tổng số tiền dự kiến khoảng 98 nghìn tỷ đồng; trong đó, giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Ngân hàng Nhà nước đã tăng quy mô gói tín dụng ưu đãi cho ngành lâm sản, thủy sản lên 30 nghìn tỷ đồng và đang xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho ngành lúa gạo; kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024.

Cùng với đó là việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; mở rộng cơ sở thu; thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử; triệt để tiết kiệm chi NSNN, nhất là chi thường xuyên…

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% và giảm lãi suất cho vay 1 - 2%.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng; giảm chi phí logistics. Đưa vào vận hành khai thác đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội, đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/se-ban-hanh-cac-chinh-sach-mien-giam-thue-phi-du-kien-khoang-98000-ty-dong-151160.html
Zalo