Sau vụ lật tàu tại Hạ Long: Không để ảnh hưởng đến phát triển du lịch
Vụ tai nạn lật tàu tại vịnh Hạ Long diễn ra vào chiều 19-7 vừa qua là vụ việc vô cùng đau lòng. Tuy nhiên, đây là vụ tai nạn hi hữu, vì thế vấn đề trước mắt là cần khắc phục sự cố, có các phương án khắc phục, cảnh báo để du khách yên tâm du lịch, không để làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành Du lịch.
Tại buổi họp báo thường kỳ Quý II – năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra chiều nay (24-7), Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ VHTTDL Cao Lê Tuấn Anh cho biết, vụ tai nạn lật tàu tại vịnh Hạ Long diễn ra vào chiều 19-7 vừa qua là vụ việc vô cùng đau lòng. Tuy nhiên, đây là vụ tai nạn hi hữu, vì thế vấn đề trước mắt là cần khắc phục sự cố, có các phương án khắc phục, cảnh báo để du khách yên tâm du lịch, không để làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành Du lịch.

Họp báo thường kỳ Quý II - năm 2025 của Bộ VHTTDL. Ảnh: T.H
Nâng cao cảnh báo cho du khách
Trước những câu hỏi liên quan đến vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long vào chiều 19-7 ảnh hưởng đến hoạt động du lịch Hạ Long nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung như thế nào? Ông Cao Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ VHTTDL cho biết, đây là sự việc vô cùng đau lòng và đáng tiếc. Vụ việc cũng là tai nạn hi hữu diễn ra vào đúng lúc dông lốc bất thường trên biển, khó dự đoán và dự báo trước. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của tai nạn cần xác định rõ những nguyên nhân khách quan, và điều quan trọng lúc này là các đơn vị kinh doanh du lịch, địa phương cần có các giải pháp ứng phó thế nào với những yếu tố khách quan có thể xảy ra này.
Ông Cao Lê Tuấn Anh cũng nhận định, sau vụ việc hi hữu này cần phải nhanh chóng khắc phục hậu quả, đẩy mạnh các hoạt động cảnh báo, tuyên truyền để ổn định tâm lý của du khách, giúp du khách yên tâm tiếp tục hoạt động trải nghiệm, không làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch nói chung.

Cần nhanh chóng khắc phục hậu quả, nâng cao quy trình bảo đảm an toàn cho du khách để hoạt động du lịch trở lại bình thường sau vụ tai nạn trên vịnh Hạ Long. Ảnh: M.H
“Du lịch tàu biển đang là sản phẩm du lịch được ưa chuộng trên thế giới và tại Việt Nam và có độ an toàn cao. Vụ việc tai nạn vừa qua rất đáng tiếc nhưng không vì thế mà để du khách hoang mang, ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch - được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Vụ việc cũng là bài học để các địa phương không chủ quan, lơ là và cần hoàn chỉnh lại quy trình bảo đảm an toàn cho du khách”, ông Cao Lê Tuấn Anh cho biết.
Trả lời về vấn đề này, Cục phó Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, không chỉ sau sự cố lật tàu trên vịnh Hạ Long mà từ lâu nay, ngành Du lịch thường xuyên có cảnh báo, khuyến cáo du khách du lịch đến vùng an toàn. Thời gian tới, ngành tiếp tục nâng cao cảnh báo du khách, đặc biệt là trước những thông tin về thiên tai, dịch họa để các địa phương và du khách ứng phó kịp thời.
Liên quan đến việc xử lý các trang web giả mạo doanh nghiệp du lịch lừa đảo khách hàng, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, hoạt động giả mạo website, fanpage lừa đảo khách hàng không chỉ diễn ra ở lĩnh vực du lịch mà còn ở nhiều lĩnh vực khác với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hiện nay, Cục đã làm việc, phối hợp với các đối tác Facebook, TikTok… thực hiện đưa AI vào quản lý, rà soát và tháo gỡ những trang thông tin giả mạo.
“Trong 6 tháng đầu năm, các nền tảng mạng xã hội đã gỡ 30.000 tài khoản, nhưng con số này vẫn là không xuể so với lượng tài khoản xây mới. Vì thế, ngoài áp dụng các biện pháp kỹ thuật, Bộ cũng tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Xử phạt nghiêm với nghệ sĩ vi phạm pháp luật
Liên quan đến việc nhiều nghệ sĩ, MC, nhà thiết kế vi phạm pháp luật, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương mong muốn cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đặc biệt là dính vào ma túy sau vụ việc của nhà thiết kế (NTK) Công Trí.
"Cá nhân tôi cho rằng, nghệ sĩ là một lực lượng đặc thù trong xã hội - họ không chỉ là công dân đơn thuần mà còn là người của công chúng, có ảnh hưởng nhất định đến xã hội. Do đó, khi một nghệ sĩ vướng vào những vụ việc nghiêm trọng như ma túy, không chỉ bản thân họ bị ảnh hưởng mà còn tác động đến lòng tin của khán giả, đến hình ảnh chung của giới nghệ thuật. Nghệ sĩ nếu đánh mất niềm tin từ công chúng sẽ rất khó để tiếp tục làm nghề. Quan điểm của Cục Nghệ thuật biểu diễn là phải xử lý nghiêm các trường hợp như vậy”, ông Hướng Dương nói.
Về việc xử lý các nghệ sĩ vi phạm pháp luật và ứng xử không phù hợp, ông Trần Hướng Dương cho biết, Bộ VHTTDL đã ban hành quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ với mong muốn nâng cao văn hóa ứng xử của nghệ sĩ cũng như trách nhiệm của họ với công chúng. Đối với những nghệ sĩ vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý, xử phạt đúng quy định của pháp luật, không có bất cứ sự nhân nhượng nào.
Về phản ánh có quá nhiều cuộc thi hoa hậu diễn ra trong 1 năm dẫn đến việc “loạn hoa hậu”, ông Hướng Dương lý giải, do các cuộc thi được tổ chức tập trung vào cùng thời điểm nên gây ra việc nhiều hoa hậu, á hậu đăng quang. Thời gian tới, Cục NTBD sẽ làm việc với các địa phương về việc cân nhắc lựa chọn thời điểm tổ chức các cuộc thi, đồng thời sẽ rà soát chất lượng các cuộc thi, nếu cuộc thi nào diễn ra không đúng với đề án xin cấp phép thì sẽ bị xử phạt.