Sau thảm họa lật tàu Vịnh Xanh 58, có cần nâng tiêu chuẩn với tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long?

Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng các tiêu chuẩn an toàn đối với những loại hình tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long để tránh những sự việc đáng tiếc như thảm họa hôm 19/7.

Vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 trên Vịnh Hạ Long làm 39 người chết và mất tích khiến người dân cả nước bàng hoàng. Thảm kịch này làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của các phương tiện du lịch tại vùng di sản nổi tiếng, đồng thời đặt ra câu hỏi: Đã đến lúc cần nâng tiêu chuẩn đối với tàu du lịch để tránh tái diễn những sự cố tương tự?

Tàu Vịnh Xanh 58 được lai dắt về khu vực cảng đóng tàu tại Quảng Ninh sau khi lật trong cơn dông chiều 19/7.

Tàu Vịnh Xanh 58 được lai dắt về khu vực cảng đóng tàu tại Quảng Ninh sau khi lật trong cơn dông chiều 19/7.

Được biết, tàu Vịnh Xanh 58 được thiết kế, đăng kiểm và hoạt động theo tiêu chuẩn tàu thủy nội địa (tiêu chuẩn của tàu sông) nhưng được hoạt động tại khu vực biển vịnh Hạ Long.

Lý giải việc này, ông Vũ Anh, Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, khoản 4, Điều 3, Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định: "Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải".

“Vì vậy những tuyến nằm ở trong vùng vịnh hoặc các cửa sông, tuyến bờ ra đảo gần trong vòng 12 hải lý đều được coi là tuyến đường thủy nội địa”, ông Vũ Anh nhấn mạnh.

Với việc xác định vùng biển Vịnh Hạ Long thuộc vùng nào, lãnh đạo Phòng Tàu sông cho biết, việc phân vùng dựa trên chiều cao của sóng.

Cụ thể, tại Phụ lục I Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa, được bổ sung sửa đổi nhiều lần, chia phương tiện thành các cấp phương tiện khác nhau bao gồm cấp VR-SB, VR-SI, VR-SII, VR-SIII.

Tuyến ven biển VR- SB thì chiều cao sóng là 2,5m, VR- SI là 2m và VR- SII là 1,2m. Tương tự, cấp tàu cũng được phân cấp theo chiều cao sóng lớn nhất tương ứng với từng cấp là: VR-SB: 2,50 m; VR-SI: 2,00 m; VR-SII: 1,20 m.

“Căn cứ vào các quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nói trên thì vùng Vịnh Hạ Long là vùng sông VR-SII (vùng có chiều cao sóng 1,2m).

Tàu Vịnh Xanh 58 được thiết kế theo quy chuẩn VR-SI, do đó được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với cấp VR-SI cao hơn tiêu chuẩn của cấp VR-SII. Với những căn cứ, quy định như trên, các phương tiện thủy nội địa cấp VR-SII, VR-SI, VR-SB phù hợp hoạt động tại vịnh Hạ Long”, ông Vũ Anh thông tin.

Trước một số ý kiến cho rằng cần có những tiêu chuẩn an toàn đặc thù hơn đối với các tàu hoạt động tại khu vực biển Vịnh Hạ Long thay vì áp dụng các tiêu chuẩn của tàu sông như hiện nay, ông Vũ Anh cho rằng, không có một yếu tố khoa học kỹ thuật nào có thể luôn đối chọi lại được với các yêu tố thiên nhiên. Do đó, không thể thay đổi tiêu chuẩn để chạy theo một số trường hợp hy hữu.

Tiêu chuẩn được nghiên cứu và đặt ra phù hợp với thực tế, các tiêu chuẩn này thỏa mãn sức chống chịu với mức gió cấp 5. Tàu thuyền chỉ được hoạt động ở mức gió cao nhất là cấp 5, gió trên cấp này thì cơ quan chức năng sẽ cấm biển.

Vụ việc vừa qua, rất nhiều năm nay mới xảy ra một cơn dông gió tới cấp 10 như thế, cơn dông này lại xuất hiện rất bất ngờ. Những tiêu chuẩn trên sẽ không đáp ứng được trong trường hợp này”, ông Vũ Anh nói.

Hình ảnh bên trong tàu du lịch Vịnh Xanh 58 sau vụ tai nạn.

Hình ảnh bên trong tàu du lịch Vịnh Xanh 58 sau vụ tai nạn.

Nhấn mạnh về việc hạn chế rủi ro tai nạn đường thủy, ông Vũ Anh cho rằng, bên cạnh các tiêu chuẩn an toàn về khoa học, kỹ thuật, cũng cần chú trọng đào tạo con người về cách ứng phó khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, các phương tiện phát tín hiệu cứu hộ cũng cần được nâng cấp một cách đồng bộ.

Để một con tàu đảm bảo các điều kiện an toàn có thể ra khơi cần rất nhiều yếu tố cũng sự quản lý, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Khi người ta thiết kế ra một con tàu, thiết kế đấy phải thỏa mãn các quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành.

Và cơ quan đăng kiểm sẽ là đơn vị kiểm tra, phê duyệt xem con tàu đó có đảm bảo những quy chuẩn kỹ thuật đó hay không. Việc cho phép tàu được hoạt động trên khu vực nào còn phải qua nhiều cơ quan quản lý, thẩm định”, ông Vũ Anh nhấn mạnh.

Trước đó, ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết, theo quy định của địa phương, tàu du lịch trên vịnh Hạ Long phải có quy chuẩn an toàn cao hơn quy chuẩn quốc gia, thực tế 100% tàu đã đạt. Trong đó, tàu Vịnh Xanh 58 có hệ số an toàn ổn định 2,3 (quy chuẩn là 1).

Ngày 20/7, Đại tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ cần triển khai công tác khám nghiệm hiện trường và giám định kỹ thuật một cách đồng bộ để xác định nguyên nhân vụ việc lật tàu du lịch.

Đại tá Phúc lưu ý rà soát công tác đăng kiểm phương tiện, hệ thống điện để đánh giá các yếu tố liên quan. Trường hợp phát hiện vi phạm về quy trình vận hành hoặc đăng kiểm, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm.

Ngoài ra, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ tổ chức bảo vệ hiện trường, đảm bảo an toàn tư trang, tài sản của nạn nhân nhằm phục vụ công tác khám nghiệm cũng như xác minh để hoàn trả cho thân nhân các nạn nhân theo đúng quy định.

Lúc 12h55 ngày 19/7, tàu du lịch Vịnh Xanh 58 chở 46 du khách và 3 thuyền viên đi tham quan tuyến 2 trên vịnh Hạ Long. Đến 13h30 cùng ngày, tàu gặp cơn dông mạnh nên bị lật úp, mất tín hiệu kết nối GPS. Một số hành khách kịp mặc áo phao và nhảy xuống biển. Tuy nhiên, phần lớn bị mắc kẹt trong cabin hoặc khoang máy.

Tính đến thời điểm hiện tại, các lực lượng chức năng đã cứu sống 10 người, tìm thấy 37 thi thể và còn 2 nạn nhân mất tích.

Danh tính 2 người còn mất tích gồm: Hoàng Văn Thái (SN 1985), Hoàng Thị Quyên (SN 1975).

Thành Lâm

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/sau-tham-hoa-lat-tau-vinh-xanh-58-co-can-nang-tieu-chuan-voi-tau-du-lich-tren-vinh-ha-long-ar955885.html
Zalo