Sau sáp nhập, tỉnh nào có mức sinh thấp nhất cả nước?
Sau sáp nhập, 13/34 tỉnh, thành có mức sinh dưới mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ).
Theo thống kê của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) về số liệu liên quan đến tổng tỉ suất sinh (TFR) năm 2024 của 34 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương sau sắp xếp, 13/34 tỉnh, thành có mức sinh dưới mức sinh thay thế (TFR dưới 2,1 con/phụ nữ).
Trong đó, 5 địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước là: TP.HCM, Tây Ninh, Cần Thơ, Cà Mau và Vĩnh Long (TFR từ 1,43 đến 1,6 con/phụ nữ).
18 tỉnh, thành có tổng tỉ suất sinh đạt mức sinh thay thế đến dưới mức sinh cao (TFR từ 2,1 đến dưới 2,5 con/phụ nữ), và 3 tỉnh có mức sinh cao (TFR từ 2,5 con/phụ nữ).

Sau sáp nhập, TP.HCM là địa phương có tổng tỉ suất sinh thấp nhất cả nước. Ảnh: VNPA
Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), đã có sự thay đổi liên quan đến chỉ tiêu mức sinh ở một số địa phương sau sáp nhập tỉnh, thành. Đây là một chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện Chiến lược Dân số đến năm 2030 và có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Chiều 3-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số.
Theo đó, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, việc sửa đổi này nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng, tránh để mức sinh giảm quá thấp, không đạt mức sinh thay thế - điều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, an ninh và quốc phòng trong tương lai.