Sau sáp nhập, các chính sách ưu đãi đầu tư có bị ảnh hưởng?

Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết khi sáp nhập, các nhà đầu tư có thể yên tâm khi các chính sách ưu đãi sẽ không giảm đi mà có thể tăng lên.

 Hội thảo thu hút hơn 200 doanh nghiệp tham dự

Hội thảo thu hút hơn 200 doanh nghiệp tham dự

Sáng 17-7, Ban Quản lý Các KCN và CN TPHCM (Hepza) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước, CBRE Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ hội vàng từ bất động sản công nghiệp TPHCM”.

Tại hội thảo, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, các địa phương cũ TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu trước khi sáp nhập đều có thế mạnh riêng. Bình Dương với quy mô GRDP 21 tỷ USD, thế mạnh công nghiệp chế biến chế tạo. Bà Rịa – Vũng Tàu với GRDP 17 tỷ USD, thế mạnh về dịch vụ cảng biển, logistics… Song, bên cạnh cũng có thách thức, với những khác biệt về cấu trúc kinh tế, trình độ phát triển hạ tầng, văn hóa quản trị…

TPHCM sau sáp nhập mang đến cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư, bởi TPHCM là siêu đô thị với nền kinh tế đa trụ cột. TP cũng có chuỗi giá trị nội vùng khép kín từ sản xuất, logistics, tài chính đến tiêu dùng và dịch vụ. Thị trường lao động dồi dào, tỷ lệ cao lao động đã qua đào tạo, cơ hội phát triển mạnh các ngành công nghệ cao, dịch vụ và đổi mới sáng tạo.

Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX và CN TPHCM cho biết, sau sáp nhập, TPHCM hiện có 66 KCX và CN với tổng diện tích đất hơn 27.000 ha. Theo Quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, TPHCM sẽ có 105 KCX và CN với tổng diện tích quy hoạch hơn 49.000 ha, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của quốc gia. Trong giai đoạn 2025 - 2030, các KCX và CN TPHCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt từ 20 tỷ đến 21 tỷ USD; suất đầu tư bình quân thu hút đạt từ 8 triệu USD/ha đến 10 triệu USD/ha; giải ngân 70% tổng vốn đầu tư đăng ký theo tiến độ.

 Ông Trần Việt Hà phát biểu khai mạc hội thảo

Ông Trần Việt Hà phát biểu khai mạc hội thảo

Hướng đến mô hình phát triển bền vững, TPHCM đang triển khai Đề án thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của một số KCX và CN, trong đó đặc biệt là chuyển đổi KCN Hiệp Phước sang mô hình sinh thái, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi cộng sinh, từng bước tiếp cận kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ mới, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nhà đầu tư.

Trong phần thảo luận, một trong các nội dung được các nhà đầu tư quan tâm là các chính sách ưu đãi được áp dụng trước ngày sáp nhập của ba địa phương liệu có thay đổi hay không? Ông Trần Việt Hà khẳng định các ưu đãi đầu tư sẽ không thay đổi, hoặc nếu có thay đổi chỉ theo hướng tốt hơn. Cụ thể, hiện nay với nhà đầu tư, các ưu đãi gồm ưu đãi theo lĩnh vực đầu tư và ưu đãi theo địa bàn.

Với ưu đãi theo lĩnh vực đầu tư thì không thay đổi. Trong khi chính sách ưu đãi theo địa bàn, nếu trường hợp nhiều địa phương có chính sách ưu đãi khác nhau, khi sáp nhập, hợp nhất lại thì sẽ áp dụng ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư.

Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, bày tỏ mong muốn tới đây Luật Đầu tư sẽ được sửa đổi một cách căn bản và thực chất hơn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư bày tỏ quan tâm đến cơ hội đầu tư tại các KCN ở TPHCM, trong đó có KCN Hiệp Phước – nơi có quỹ đất sạch rộng lớn, vị trí hấp dẫn, pháp lý hoàn thiện, cảng biển nội khu, cơ sở tiện ích đầy đủ.

MAI HOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sau-sap-nhap-cac-chinh-sach-uu-dai-dau-tu-co-bi-anh-huong-post804173.html
Zalo